Tăng cường phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; ngăn chặn tình trạng xâm nhập và lây lan dịch từ nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm; biểu dương 47 tỉnh, phê bình 6 tỉnh về an toàn giao thông; năm 2015, có 40 - 45% dân số sử dụng internet… là những thông tin văn bản, chính sách nổi bật tuần qua.
Biểu dương 47 tỉnh, phê bình 6 tỉnh về an toàn giao thông
Tại công văn số 1121/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ biểu dương 47 địa phương đã giảm trên 10% số người chết do tai nạn giao thông; đồng thời phê bình 6 tỉnh vì có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao.
47 địa phương được Thủ tướng Chính phủ biểu dương đã phấn đấu giảm trên 10% số người chết do tai nạn giao thông (vượt chỉ tiêu giảm số người chết): Tuyên Quang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Điện Biên, Long An, Quảng Ninh, Nam Định, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Hưng Yên, Lâm Đồng, Cần Thơ, Ninh Thuận, Đắk Nông, Quảng Bình, Bắc Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Phú Thọ, Gia Lai, Lạng Sơn, Nghệ An, Yên Bái, An Giang, Ninh Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hóa, Bình Thuận, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam, Cà Mau, Hà Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, Bình Phước, Tiền Giang, Thái Bình, Phú Yên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội.
Trong 47 tỉnh trên, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt biểu dương 5 tỉnh đã giảm trên 40% số người chết do tai nạn giao thông gồm Tuyên Quang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng phê bình 6 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao gồm Lai Châu, Bắc Ninh, Kom Tum, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hải Dương.
Năm 2015, có 40 - 45% dân số sử dụng internet
Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt chỉ tiêu đến năm 2015, có 40 – 45% hộ gia đình có điện thoại cố định; tỷ lệ người sử dụng internet chiếm 40 – 45% dân số và đến năm 2020, tỷ lệ này đạt 55 – 60%.
Quy hoạch cũng đặt chỉ tiêu đến 2015, phủ sóng di động đến trên 90% dân số trên cả nước, đến 2020 là trên 95%.
Phấn đấu đến 2020, tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,2 – 1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 15 – 17 tỷ USD, chiếm khoảng 6 – 7% GDP.
HSSV khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có thông báo, công bố rộng rãi về việc các cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thực hiện trước ngày 30/8/2012 việc công bố, cung cấp thông tin rộng rãi về quy trình xác nhận miễn giảm và cấp bù học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách gia hạn nợ đối với trường hợp học sinh, sinh viên sau khi ra trường chưa tìm được việc làm và gia đình vẫn thuộc diện đối tượng vay vốn thật sự khó khăn, chưa thể trả được nợ; bổ sung cho vay đối với các gia đình có từ 2 con trở lên học đại học, cao đẳng, học nghề.
Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm ma túy
Tại Công điện 1085/CĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tập trung lực lượng, phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm ma túy, tập trung xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường điều tra, bắt giữ, xử lý các vụ sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội biên phòng, cánh sát biển kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, vùng biển... ngăn ngừa có hiệu quả ma túy thẩm lậu vào Việt Nam.
Bộ Tài chính chỉ đạo Hải quan tất cả các cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm về việc buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, các Bộ, ngành liên quan phân công người có trách nhiệm, có năng lực trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm tra thường xuyên, liên tục nhất là các địa bàn trọng điểm bảo đảm kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời mọi hành vi buôn lậu, mua bán hàng cấm, đặc biệt là các mặt hàng xăng dầu, gia cầm, thực phẩm động vật hang dã, vận chuyển hàng nhập khẩu không thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.
Đồng thời, bố trí lực lượng bảo đảm quản lý kiểm soát tốt nhất hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, nơi tập kết hàng nhập lậu, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường biển.
Trưởng Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chỉ đạo và yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trước hết là Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh có biên giới quy định và phân công cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu nhất là địa phương, địa bàn có cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại phải tổ chức và thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện kịp thời mọi hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu không có giấy tờ hợp pháp. Đồng thời có biện pháp hoặc kiến nghị xử lý cụ thể đối với tập thể, cá nhân nếu để xảy ra buôn lậu tại địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.
Không để gia cầm chưa kiểm dịch nhập khẩu vào nước ta
Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các tỉnh có biên giới với các nước phải phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhất là nhập khẩu qua các đường tiểu ngạch, vận chuyển, buôn bán vào nước ta. Nhất thiết không để gia cầm chưa qua kiểm dịch nhập khẩu vào nước ta.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Tài chính, Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường và phối hợp lực lượng để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập khẩu, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhất là nhập, vận chuyển, tiêu thụ qua đường tiểu ngạch nhằm ngăn chặn hiệu quả, kịp thời gia cầm có nguồn bệnh cúm và thực phẩm không đảm bảo an toàn vào nước ta.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương phối hợp với chính quyền các tỉnh biên giới chỉ đạo cơ quan kiểm dịch tại biên giới tăng cường biện pháp và lực lượng để ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; phối hợp các Bộ, địa phương ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập từ nước ngoài vào nước ta.
Đồng thời, hướng dẫn cụ thể các biện pháp và tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đặc biệt ở các địa phương không sử dụng vắc xin tiêm phòng.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc đưa tin xã 500 cán bộ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, làm rõ và kiểm điểm nghiêm túc việc Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, bài về Thanh Hóa thời gian gần đây, trong đó có bài "Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa".
Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 26/6/2012 đăng bài: "Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa" nêu tình trạng một xã có quá nhiều cán bộ, trong đó có nhiều vị trí không có trong quy định. Hơn nữa, vì không được ngân sách chi trả, trong khi nguồn thu của địa phương hạn chế, chính quyền xã đã yêu cầu nhân dân đóng góp để “trả lương” cho số cán bộ này.
Tuy nhiên, theo báo cáo 4715/UBND-THKH ngày 9/7/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì tổng số cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã Quang Vinh, huyện Quảng Xương là 205 người.
Gỡ vướng trong nhập khẩu ôtô
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc các doanh nghiệp được tiếp tục nhập khẩu xe ô tô theo hợp đồng đã ký (số lượng, chủng loại) mà đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ hợp đồng trước ngày ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương (ngày 12/5/2011) theo các điều kiện Bộ Công Thương đề xuất.
Bộ Công Thương có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định và trả lời cho doanh nghiệp biết.