Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Thái Nguyên là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Trong những năm qua, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao thời lượng và chất lượng các chương trình, sản phẩm báo chí nhằm đáp ứng nhu cầu của khán, thính giả, phấn đấu xây dựng Đài phát triển theo hướng một cơ quan truyền thông đa phương tiện mạnh của khu vực…
Ngày 2-9-1977, chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Bắc Thái lên sóng. Trước đó, hệ thống truyền thanh hữu tuyến đã được xây dựng từ năm 1956, đóng góp quan trọng vào công cuộc giành độc lập và xây dựng đất nước. 15 năm sau, ngày 2-9-1992 ghi dấu chương trình truyền hình Bắc Thái đến với khán giả. Đến năm 1997, khi chia tách tỉnh Bắc Thái thành Thái Nguyên và Bắc Kạn, Đài PT-TH Thái Nguyên lúc ấy với hơn 50 cán bộ, phóng viên, công nhân viên, chủ yếu sản xuất chương trình phát thanh hàng ngày, truyền hình mỗi tuần sản xuất 3 chương trình phát sóng vào buổi tối...
Trải qua một thập kỷ tiếp đó, Đài đã vượt lên nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tiến từng bước khá vững chắc. Thời lượng chương trình phát thanh được duy trì, chương trình truyền hình của Đài từng bước được nâng lên về thời lượng, chất lượng và phạm vi phủ sóng.
Sau quá trình củng cố, xây dựng đội ngũ, chuẩn bị các điều kiện, với những bước đi phù hợp, từ 5 năm trở lại đây, Đài PT-TH tỉnh đã có những bước bứt phá mạnh mẽ, với nhiều cải cách. Đài đã tổ chức sắp xếp lại bộ máy với 10 phòng chuyên môn, đội ngũ được tăng cường với hơn 170 cán bộ, công chức viên chức, lực lượng trẻ nhiệt huyết và năng động. Đảng bộ Đài không ngừng lớn mạnh, với 10 chi bộ, hơn 80 đảng viên, đã và đang phát huy tốt vai trò lãnh đạo đơn vị, là Đảng bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Các tổ chức đoàn thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao…
Điều đáng nói là sau nhiều năm không có "phiên hiệu", Phòng Phát thanh được thành lập trở lại với những bước đổi mới chương trình phát thanh và hiện nay thời lượng phát sóng là 7h/ngày. Phòng Tiếng dân tộc cùng với nhiệm vụ sản xuất các chương trình phát thanh, những năm gần đây đã thực hiện các chương trình truyền hình tiếng Dao, tiếng Mông phát trên sóng Đài tỉnh và cộng tác với kênh VTV5, đưa thông tin về tình hình dân tộc, miền núi của Thái Nguyên đến với cả nước. Phòng Thông tin điện tử ra đời mở ra những trang mới cho báo điện tử của Đài và cập nhật thông tin trong nước, quốc tế. Truyền hình hiện được coi là thế mạnh đã góp mặt xứng đáng vào bước tiến chung.
Là một trong số ít Đài PT-TH địa phương có lợi thế 2 kênh sóng truyền hình, Đài PT-TH Thái Nguyên đã tổ chức lại 2 kênh truyền hình, với thời lượng phát sóng 36h/ngày. Kênh TN1 là kênh thời sự tổng hợp, TN2 là kênh văn hóa, thể thao, giải trí. Thời lượng tăng, chất lượng cũng phải tương xứng, Đài đã tập trung đổi mới kết cấu, hình thức, nội dung, nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình. Nhiều thể loại, chương trình mới được tổ chức, tạo sắc thái mới cho các chương trình. Đài đã tổ chức sản xuất Bản tin thời sự tiếng Anh - góp phần tích cực và hiệu quả vào hoạt động thông tin đối ngoại của tỉnh; mở ra nhiều chuyên mục theo phương châm báo chí thân thiện, bám sát hơi thở cuộc sống; đầu tư sản xuất nhiều phim tài liệu, chương trình giải trí trên truyền hình để tạo sân chơi bổ ích dành cho nhiều nhóm khán giả.
Đặc biệt, với khoảng 50 đến 60 chương trình truyền hình trực tiếp được sản xuất, lên sóng mỗi năm, được dư luận đánh giá cao, đã từng bước khẳng định năng lực nắm bắt, tổ chức sự kiện và tầm vóc của Đài PT-TH Thái Nguyên trong hệ thống Đài PT-TH khu vực và cả nước. Qua các chương trình truyền hình trực tiếp đã góp phần rèn luyện bản lĩnh, trình độ của đội ngũ và tăng cường khả năng phối hợp, cộng tác sản xuất chương trình với các Đài trong khu vực và Đài Quốc gia, từ đó có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp. Cùng với truyền hình trực tiếp, nhiều chương trình, sự kiện lớn đã được Đài thực hiện phát thanh trực tiếp và tường thuật trực tuyến thành công, đưa thông tin đến với đồng bào miền núi, vùng cao và xa hơn là vươn cánh sóng ra cả nước và quốc tế. Từ đó góp phần đắc lực quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thành tựu đổi mới của Thái Nguyên với bè bạn gần xa.
Nội dung lớn mạnh, kỹ thuật cùng vươn mình đáp ứng. Với sự quan tâm đầu tư có chiến lược, năng lực kỹ thuật của Đài ngày càng được nâng lên, nhiều chương trình đã được phối hợp thực hiện ngoài tỉnh và nối sóng ra cả nước. Kênh TN1 đã được phát sóng qua vệ tinh Vinasat 1, phủ sóng Đài Thái Nguyên ra nhiều nước và vùng lãnh thổ; kênh TN2 hòa mạng truyền hình cáp Thái Nguyên, góp phần đưa cánh sóng của Đài vươn xa hơn.
Đồng hành và thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền, từ năm 2009, với ý tưởng kết nối những tấm lòng, xã hội hóa hoạt động xã hội, từ thiện, Đài đã tích cực vận động xây dựng Quỹ tấm lòng nhân ái và đẩy mạnh hoạt động, đến nay đã ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Qua hoạt động này đã đưa báo chí phát thanh, truyền hình Thái Nguyên thêm gắn bó, thân thiện với cộng đồng xã hội.
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, định hướng và tham gia quản lý xã hội, Đài PT-TH Thái Nguyên đã góp phần đắc lực vào sự phát triển và những thành tựu đổi mới toàn diện của tỉnh. Hiện nay, Đài đang đẩy mạnh lộ trình thực hiện Đề án phát triển sự nghiệp PT-TH Thái Nguyên đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Những mục tiêu hướng tới đòi hỏi đội ngũ làm báo của Đài nỗ lực vươn tầm đưa 4 loại hình báo chí cùng phát triển và hợp thành binh chủng thông tin hùng mạnh, hội nhập và khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hôm nay.
Từng bước phấn đấu, đưa "con thuyền nhà" qua sông, rồi hòa vào "biển lớn", cơ hội mở ra, song thách thức cũng liền kề. Mục tiêu phía trước là “chèo lái” để “con thuyền” báo chí phát thanh, truyền hình Thái Nguyên vững vàng, ngày càng vươn xa hơn, đồng hành và góp sức cùng tiến trình hội nhập và phát triển trên quê hương cách mạng Thái Nguyên…