Xác lợn chết “chu du” sau dịch

14:32, 29/08/2012

 Gần một tháng nay, hàng trăm hộ dân ở hai xóm Tân Thành 1 và Tân Thành 2 của xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) luôn phải sống trong cảnh “cửa đóng then cài” cả ngày lẫn đêm do không thể chịu nổi mùi hôi thối bốc ra từ hàng chục chiếc bao tải đựng xác lợn chết vì dịch bệnh vứt tại các ao đầm, kênh mương quanh xóm…

Chúng tôi đến 2 xóm trên để “mục sở thị” tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây. Mới đi gần đến đầu xóm Tân Thành 2, mặc dù chưa nhìn thấy bao tải đựng xác lợn chết nhưng chúng tôi đã cảm thấy nghẹt thở bởi mùi hôi thối khủng khiếp. Vào đến xóm, quan sát hai bên đường thì nhà nào cũng đóng cửa im ỉm và trên đường không có một bóng người qua lại, cho xe chạy đến gần doanh trại quân đội của Lữ đoàn 575 đóng tại địa bàn xóm, chúng tôi tá hỏa khi phát hiện bốn, năm chiếc bao tải nằm lăn lóc bên lề đường đang rỉ nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối và nghe rõ cả tiếng vo ve của đám ruồi nhặng đang “dự tiệc”.

 

 

Để biết chắc đó là bao tải đựng xác lợn chết, chúng tôi lấy hết can đảm tiến vào gần hơn rồi dùng một mảnh thủy tinh vỡ rạch lên chiếc bao. Dù đã đeo kín khẩu trang, nín thở từ trước nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy kinh hãi và phải lui ra ngay khi nhìn thấy xác một con lợn khoảng 30kg đang trong quá trình phân hủy, lúc nhúc dòi bọ.

 

Tiếp tục cuộc hành trình “săn” lợn chết, chúng tôi còn phát hiện thêm hàng chục chiếc bao tải căng phồng, buộc kín đầu, nổi lềnh phềnh trên những đoạn kênh mương, ao đầm. Ngoài những xác lợn được nhét vào bao tải, còn có cả những con lợn phơi bụng trên mặt nước. Dưới cái nắng gay gắt, xác lợn chết phân hủy nhanh hơn khiến cho nguồn nước ở những nơi này đen kịt, bốc mùi nồng nặc.

 

Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng xóm Tân Thành 2 cho biết: Khi các xóm của xã có hiện tượng lợn ốm chết hàng loạt vào đầu tháng 8 thì tình trạng vứt xác lợn bừa bãi ra các tuyến kênh mương, ao đầm của xóm cũng bắt đầu diễn ra. Do địa hình của xóm có nhiều khu đất trống nên khi dịch bệnh xảy ra, phần lớn người dân ở các khu vực lân cận cũng vận chuyển lợn chết đến vứt ở đây làm cho môi trường sống ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Họ thường vứt vào giữa trưa hoặc ban đêm nên rất khó bắt được tận tay. Chúng tôi đã báo cáo tình trạng này lên chính quyền xã nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp gì để khắc phục.

 

Rời xóm Tân Thành 2, chúng tôi đi sâu vào xóm Tân Thành 1 thấy không khí ở đây cũng bị bao phủ bởi thứ mùi khủng khiếp. Khi biết có phóng viên đến để phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây, phần lớn người dân đều tỏ ra rất bức xúc, anh Trần Toàn, một người dân trong xóm đã “xung phong” đưa chúng tôi đi thực tế. Tại một đầm thả rau muống ngay gần cổng làng, chúng tôi đếm được không dưới 10 chiếc bao tải căng phồng nổi trên mặt nước đang bốc mùi hôi thối, có vài chiếc bao bị mủn bục ra làm lộ cả xác lợn bên trong. Anh Toàn cho biết: Ở đây nhiều người phát ốm vì hàng ngày phải hít thở thứ không khí “trong lành” này. Nhà nào cũng phải đóng cửa kín mít mà mùi hôi thối vẫn xông vào tận nhà. Khoảng 2 tuần nay bà con trong xóm đều phải đi đường vòng mỗi khi cần ra khỏi xóm chứ không ai dám đi qua đoạn đường này nữa.

 

Khi chúng tôi trao đổi vấn đề trên với lãnh đạo xã Đồng Bẩm và đưa ra những bức ảnh chúng tôi chụp được thì các cán bộ ở đây tỏ ra…ngạc nhiên vì không ngờ nhiều như thế. Ông Hoàng Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm cho biết: Sau khi nhận được thông báo của xóm về hiện tượng vứt xác lợn bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, xã đã cử cán bộ thú y xuống cơ sở để thực hiện phát thuốc khử trùng tiêu độc và có thông báo về việc giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn xã gửi đến các xóm để tuyên truyền cho người dân không được vứt xác lợn bừa bãi. Việc thực hiện chôn lấp xác lợn thì xã sẽ cấp vôi bột và thuốc khử trùng tiêu độc khi xóm đào hố chôn.

 

Việc vứt xác động vật bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh ổ dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Thiết nghĩ, việc tiêu hủy các xác lợn trôi nổi cần phải được tiến hành ngay. Mỗi người dân cần tự có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tìm ra hướng giải quyết hiệu quả, không để tái diễn tình trạng trên.