Nếu soi vào 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Tức Tranh (Phú Lương) mới đạt được 8 tiêu chí...
Nếu soi vào 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Tức Tranh (Phú Lương) mới đạt được 8 tiêu chí: Điện, chợ, bưu điện, y tế, an ninh trật tự, hộ nghèo, văn hóa và hệ thống chính trị. So với 5 xã được chọn làm điểm trong huyện về xây dựng nông thôn mới, Tức Tranh là xã còn nhiều tiêu chí chưa đạt. Nguyên nhân các tiêu chí đạt thấp là do, xã có diện tích tự nhiên lớn, hạ tầng nông thôn còn thiếu thốn. Đặc biệt là hệ thống giao thông ở Tức Tranh chủ yếu là đường đất lầy lội, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã. Nhận thức được những điểm yếu của địa phương, từ khi được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới, cấp uỷ, chính quyền xã Tức Tranh đã tập trung toàn tâm, toàn lực cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống nhân dân.
Trước tiên, Đảng ủy xã đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gồm 13 đồng chí do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban, thành lập Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đồng thời thành lập các ban phát triển thôn để tổ chức thực hiện và quản lý các chương trình về xây dựng nông thôn mới ở xóm, các thành viên đều được và phân công nhiệm vụ một cách cụ thể. Tiếp đó, công tác tuyên truyền, quán triệt về nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới được tổ chức lần lượt, bài bản từ đảng bộ đến các chi bộ, đoàn thể và toàn thể nhân dân.
Ông Trần Ngọc Cảnh, Trưởng xóm Bãi Bằng cho biết: Do làm tốt việc tuyên truyền ngay từ đầu nên công tác xây dựng nông thôn mới được bà con ủng hộ rất nhiệt tình. Xóm có hơn 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu, hiện 100% số hộ đã đăng ký tham gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2011, huyện triển khai làm tuyến đường liên xã Tức Tranh - Yên Lạc - Yên Đổ với chiều dài hơn 13km, tổng kinh phí đầu tư gần 40 tỷ đồng. Do nguồn kinh phí Nhà nước hạn hẹp không có tiền đền bù giải phóng mặt bằng, 5 hộ dân của xóm đã hiến 2.000m2 đất để làm đường.
Không chỉ 5 hộ dân này mà trước đó, 29 hộ dân xóm Đồng Lòng và Ngoài Tranh cũng đã hiến trên 5.000m2 đất để làm tuyến đường nối 2 xã Vô Tranh - Tức Tranh. Sự hy sinh lợi ích cá nhân này chính là thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao trong công tác xây dựng bộ mặt nông thôn thêm khang trang. Thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới, năm 2012, xã tập trung cao cho việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Ngoài các tuyến liên xã, xã còn vận động nhân dân tích cực tham gia hiến đất mở rộng các tuyến liên xóm theo đúng tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, đóng góp tiền của, công sức để bê tông hóa các tuyến này theo hình thức nhà nước đầu tư 65%, nhân dân đóng góp 35%. Trước mắt, xã đang tiến hành khảo sát 2 tuyến là: Đập Tràn - Minh Hợp và Gốc Gạo mỗi tuyến dài 1km, dự kiến 2 tuyến đường này cũng sẽ hoàn thành trong năm nay.
Đồng chí Nguyễn Lương Đằng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vẫn biết là xây dựng nông thôn mới ở Tức Tranh còn phải trải qua chặng đường phấn đấu rất dài với vô vàn khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, tin chắc rằng, “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hiện nay, xã đã hoàn thiện xong bản quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới. Từ bản quy hoạch này, chúng tôi sẽ triển khai từng bước một các công việc. Trong đó, tập trung cao vào việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Tức Tranh là vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương, toàn xã có hơn 1.00ha chè và có tới 8 làng nghề về chè là: Gốc Gạo, Thác Dài, Quyết Thắng, Quyết Thắng, Minh Hợp, Đập Tràn, Bãi Bằng, Khe Cốc.
Xác định, chè vẫn là cây trồng mũi nhọn ở đây, xã đã lập quy hoạch vùng chuyên canh chè với diện tích đến năm 2015 là 1.050ha, giữ ổn định đến năm 2020 và những năm tiếp theo xã sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm chè. Trong tổng diện tích này, có 800ha dành cho sản xuất chè đặc sản, vùng 1 gồm các xóm: Bãi Bằng, Tân Thái, Khe Cốc, Minh Hợp, Đập Tràn và một phần diện tích chè của làng nghề chè Quyết Thắng; vùng 2 là các xóm: Tân Khê, Đan Khê, Thác Dài, Gốc Gạo, Đồng Lòng, Ngoài Tranh và Gốc Sim. Ngoài 2 vùng chè đặc sản này, các xóm còn lại duy trì diện tích hiện có và thay đổi cơ cấu giống chè nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo nên vùng sản xuất chè đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới.