Xây dựng nông thôn - nhìn từ tiêu chí chợ

14:26, 03/08/2012

Chợ là một tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, tiêu chí này đang có nhiều ý kiến vì tính khả thi trong thực hiện.

Bởi nguồn kinh phí đầu tư lớn, chủ yếu lại trông vào nguồn ngân sách nhà nước và nhà đầu tư. Song, nguồn ngân sách nhà nước thì hạn hẹp; còn nhà đầu tư thì không “mặn mà” đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác chợ vì chợ họp chủ yếu theo phiên, doanh thu bán hàng hóa  tại chợ và thu phí chợ đạt  thấp.

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 45 xã nông thôn chưa có chợ (chiếm tỷ lệ 25% số xã, phường), số xã này chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, theo Đề án Phát triển hệ thống chợ nông thôn tỉnh giai đoạn 2011-2015 thì, đến năm 2015, có khoảng 70% số chợ trên địa bàn nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) và định hướng tới năm 2020 tất cả các xã đều có chợ đạt tiêu chí NTM.

 

Qua điều tra khảo sát ở một số xã đã được lựa chọn làm xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 cho thấy: ở huyện Võ Nhai có 3 xã, chỉ có Lâu Thượng, La Hiên đang có chợ nhưng đều là chợ tạm. Ở Định Hóa, có 4 xã, nhưng cũng chỉ 2 xã có chợ  tạm (Trung Hội, Đồng Thịnh), còn Bảo Cường, Phước Tiên chưa có chợ. Ở Phổ Yên nơi tập trung đông dân cư, nhưng có 3/4 xã (Đồng Tiến, Nam Tiến, Tân Hương) gần chợ Ba Hàng, người dân  thường đi chợ này, không có chợ riêng; chỉ xã Hồng Tiến là có, nhưng là chợ tạm. Thực trạng chợ tại 35 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015: có 2 xã có chợ kiên cố; 6 xã có chợ bán kiên cố; 13 xã có chợ tạm; 14 xã chưa có chợ. Trong khi đó, ý kiến chung của các xã chọn làm điểm xây dựng NTM đều cho rằng, muốn xây được chợ chỉ biết đợi chờ chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) mới có thể triển khai được, nhất là ở các xã miền núi, vùng cao.

 

Ông Hoàng Văn Tô, Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh (Định Hóa) cho biết: hiện tại xã đang có 2 chợ  tạm. Theo lộ trình từ nay đến 2015, để hoàn thành tiêu chí chợ nên đã xác định vị trí, dành diện tích đủ tiêu chuẩn để xây dựng 1 chợ (giáp khu hành chính xã). Song, chợ có được thực hiện hay không còn phụ thuộc vào vốn do ngân sách đầu tư. Đối với một xã ở phía nam, người dân có điều kiện kinh tế hơn, khi hỏi về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng chợ, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến hy vọng hơn: Chợ Hồng Tiến có từ lâu đời, theo tiêu chí NTM chợ đảm bảo về diện tích (rộng 3 nghìn m2), nhưng còn nhiều hạng mục chưa đáp ứng. Để hoàn thiện tiêu chí này từ nay đến năm 2015, bên cạnh trông vào nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, huyện, tỉnh, có thể sẽ huy động cả sự đóng góp của nhân dân. 

 

Như vậy, từ nay đến năm 2015 chỉ còn hơn 3 năm nữa thì các xã trên khó lòng đạt được tiêu chí về chợ. Vì, theo hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm: nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác.... Nếu căn cứ vào hướng dẫn này thì toàn tỉnh không có xã nào đạt chuẩn về tiêu chí chợ nông thôn mới. Ông Dương Huy Khải, Trưởng phòng Quản lý Thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Công Thương cho biết: Toàn tỉnh có đến 90% chợ nông thôn được hình thành và phát triển từ trước năm 2006, phần lớn với hình thức tự phát nên hạ tầng chợ (hệ thống điện, đường giao thông trong chợ, hệ thống cấp thoát nước đều yếu kém). Do lượng hàng hóa trao đổi tại chợ nông thôn còn nghèo nàn, thời gian kinh doanh ngắn (chỉ buổi sáng hoặc một tuần có 1 đến 2 phiên chợ) nên việc đầu tư xây dựng mới hay sửa chữa nâng cấp ít được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư càng khó khăn vì vốn đầu tư lớn, khả năng hoàn vốn thấp và kéo dài”.

 

Được biết, kinh phí chủ yếu để xây dựng chợ nông thôn chủ yếu trông vào nguồn NSNN. Thực tế, những năm qua, do NSNN hạn hẹp nên mỗi năm tỉnh chỉ bố trí vài trăm triệu đồng cho các chợ nông thôn, với số tiền ít ỏi đó các chợ không đủ để sữa chữa, chưa nói đến xây mới. Từ năm 2003, Chính phủ cũng đã có Nghị định số 02 về phát triển và quản lý chợ có khuyến khích các doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng và tổ chức quản lý kinh doanh chợ, nhưng chỉ  khu vực thành phố là thu hút được một số nhà đầu tư tham gia, còn chợ nông thôn không có gì hấp dẫn do chợ họp chủ yếu theo phiên; doanh thu bán hàng hóa  tại chợ và thu phí chợ đạt  thấp (chỉ tính riêng doanh thu năm 2010 dự ước đạt trên 1.532 tỷ đồng, chiếm 38,8% tổng doanh thu bán hàng tại các chợ trên địa bàn). Chính vì lý do này, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình chợ nông thôn nào chuyển đổi hoàn chỉnh theo hình thức này (năm 2010 có chợ Bắc Sơn- Phổ Yên đã thực hiện chuyển đổi theo mô hình trên nhưng hiện tại còn đang nhiều bất cập).

 

Ngoài lý do về vốn, việc hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn ở một số xã gần thị trấn huyện hoặc các chợ lớn, người dân đi chợ lớn là chủ yếu, ví dụ như: 3 xã của Phổ Yên nêu trên hay xã Huống Thượng, Đồng Hỷ (gần chợ trung tâm thành phố Thái Nguyên); hoặc có những xã ở miền núi, vùng cao, mặc dù đã xây dựng chợ khang trang nhưng do thói quen mua, bán tự do bên ngoài nên cả người mua và người bán đều không thích vào họp tại các đình chợ lớn, vẫn mua, bán ngoài lòng lề đường. Hơn nữa, chợ tạm nói chung, ngoài chức năng buôn bán, còn có ý nghĩa về mặt sinh hoạt, văn hoá nên khó thu hút người dân vào họp ở những chợ xây khang trang.... Vì thế, việc thực hiện tiêu chí chợ cũng là một vấn đề cần phải tính đến hiệu quả sử dụng trong tương lai, tránh gây lãng phí nguồn NSNN…

 

Theo tính toán của Sở Công Thương: để xây mới chợ nông thôn loại 3 cần khoảng 4 tỷ đồng/chợ; cải tạo nâng cấp chợ nông thôn loại 3 khoảng 2 tỷ đồng/chợ; kinh phí lập quy hoạch chi tiết, lập dự án kêu gọi đầu tư khoảng 200 triệu đồng/chợ. Tổng kinh phí đầu tư cho 35 xã điểm trong giai đoạn 2011-2015 để xây mới 27 chợ và cải tạo, nâng cấp 6 chợ là 126,6 tỷ đồng (kể cả vốn chuẩn bị đầu tư). Đó là chưa kể 80 chợ tạm của các xã khác trên toàn tỉnh cũng đã xuống cấp cần phải phấn đấu đạt tiêu chí NTM từ nay đến năm 2015 theo Đề án Phát triển hệ thống thương mại của tỉnh đã đề ra. Nếu các xã cứ trông vào nguồn vốn này là khó khăn và có thể còn kéo dài thời gian thực hiện.

 

Để có nguồn vốn cho các xã điểm hoàn thành tiêu chí chợ, cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh chợ theo các hình thức BOT, bởi Nhà nước đã và đang khuyến khích chuyển đổi mô hình quản lý theo hình thức này, muốn được như vậy, tỉnh nên có những cơ chế đặc thù như: giao “đất sạch” cho nhà đầu tư, miễn tiền thuê đất, miễn thuế và có các khoản hỗ trợ, ưu đãi đầu tư khác đối với nhà đầu tư. Tỷ lệ miễn, hỗ trợ phụ thuộc vào số phiên họp chợ chính trong tháng, số hộ kinh doanh thường xuyên trong chợ. Hoặc được tổ chức đầu tư theo các hình thức BT (đổi đất lấy công trình…) hoặc NSNN cấp theo phân kỳ đầu tư đối với các công trình chợ nông thôn không thể kêu gọi đầu tư. Sau khi đầu tư hoàn thành, chuyển giao chợ cho chính quyền địa phương quản lý (thành lập đơn vị sự nghiệp có thu quản lý chợ).