Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng bán tín, bán nghi với tin đồn lợn tai xanh đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh nên đã “quay lưng” với thịt lợn.
Bà Nguyễn Thu Hương, ở tổ 30, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vì sợ mua phải thịt lợn mắc bệnh tai xanh nên hơn 10 ngày nay, trong mâm cơm của gia đình chỉ có cá, gà hoặc thịt bò…Ngược lại, bà Trương Thị Khánh, ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ lại lại tỏ ra khá yên tâm khi sử dụng sản phẩm thịt lợn. Bà cho rằng: Cứ mua thịt lợn ở những cửa hàng quen biết hoặc có uy tín là yên tâm rồi…
Chúng tôi cũng đã đi khảo sát tại các chợ lớn như Đồng Quang, Chợ Thái (T.P Thái Nguyên) và một số điểm bán thịt lợn “sạch”. Một nghịch lý là có những cửa hàng rất đông khách, lượng thịt bày trên bàn rất lớn, nhưng cũng có những của hàng thịt lợn bày bán rất ít và chẳng có người mua. Theo chị Trịnh Thị Hường, chủ cửa hàng kinh doanh thịt lợn hơn 10 năm nay tại Chợ Thái thì: Nhờ buôn bán lợn có nguồn gốc nên lượng hàng tôi bán ra thường xuyên ổn định, trung bình mỗi ngày bán được trên 1 tạ thịt lợn móc hàm.
Tìm gặp những người có trách nhiệm để tìm hiểu về vấn đề ở tỉnh ta có hay không có lợn mắc bệnh tai xanh, chúng tôi được ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho hay: Đến thời điểm này, ở Thái Nguyên chưa có lợn mắc bệnh tai xanh. Chi cục đã cho lấy mẫu bệnh phẩm ở những đàn lợn bị mắc bệnh, ốm, chết của huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên, để đưa đi xét nghiệm nhưng kết quả đều âm tính với bệnh tai xanh.
Cũng qua trao đổi với ông Lê Đắc Vinh, chúng tôi được biết, dù Thái Nguyên chưa xuất hiện lợn bị mắc bệnh tai xanh, nhưng tại huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), địa phương tiếp giáp với xã Yên Ninh (Phú Lương) đã xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm này. Do vậy ngay từ cuối tháng 8, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1878 về việc thành lập Chốt kiểm dịch tạm thời phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại Yên Ninh, hoạt động 24/24 giờ; thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc các loại phương tiện, dụng cụ vận chuyển động vật và sản phẩm động vật qua khu vực Chốt... Theo đó, lợn và các sản phẩm từ lợn của Bắc Kạn không được nhập hoặc vận chuyển vào tỉnh ta và ngược lại.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn của tỉnh ta cũng đang được thực hiện rất quyết liệt. Việc tiêm phòng các loại bệnh nguy hiểm cho đàn lợn đã hoàn thành trong tháng 8 với kết quả đạt gần 100% số lợn trong diện phải tiêm phòng (toàn tỉnh hiện có gần 600 nghìn con lợn). Được tiêm phòng, đàn lợn sẽ miễn dịch tốt hơn, tránh bị mắc bệnh dịch tả, tụ huyết trùng ghép với tai xanh.
Hiện nay, lực lượng Thú y cũng đang triển khai Dự án tiêm phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn tại 2 huyện Phú Bình, Phổ Yên (mỗi huyện 10.000 liều vắc xin). Tại các điểm chăn nuôi tập trung, cán bộ Thú y, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các hộ chăn nuôi, chủ trang trại tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại; nơi thu gom, buôn bán, giết mổ lợn… với tổng số hóa chất đã sử dụng trong thời gian qua là 6.000 lít và hơn 20 tấn vôi bột; thực hiện ký cam kết với các chủ thu gom, vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn không tiêu thụ lợn ốm, chết; nghiêm cấm việc vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch trong khu vực có hiện tượng lợn ốm, chết; vận động nhân dân tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch…
Cũng từ thực tế cho thấy hiện nay, đàn lợn trên địa bàn tỉnh ta đang phát triển khỏe mạnh, không còn tình trạng lợn ốm, chết do dịch tả, tụ huyết trùng như gần 2 tháng trước. Do vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn – một loại thực phẩm quen thuộc, thông dụng nhất trong bữa ăn hằng ngày. Bên cạnh đó, người dân cũng cần lựa chọn mua hàng ở những cửa hàng bán thịt lợn có uy tín, bản thân mình cảm thấy tin tưởng.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh: Để tránh ăn phải lợn bệnh, dù đó bất kỳ là bệnh gì, người tiêu dùng nên chọn mua các loại thịt có màu tươi, da hồng, sờ vào ấm, nóng, hơi dính, lợn có giấy kiểm dịch và nấu thật chín trước khi ăn… |