Cần tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng

08:16, 25/09/2012

Những năm gần đây, một trong những cuộc vận động (CVĐ) được người tiêu dùng (NTD) quan tâm, hưởng ứng là CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với sự cố gắng nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương và doanh nghiệp, hoạt động xúc tiến thương mại trong thị trường nội địa đã được quan tâm nhiều hơn.

Nhiều hội chợ đã được tổ chức ngay tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa với nhiều gian hàng Việt Nam có chất lượng của nhiều doanh nghiệp đã góp phần quảng bá cho những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, các ngành hàng; tạo cơ hội để NTD ở khắp mọi miền đất nước được tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý. Hưởng ứng CVĐ, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã, giảm giá thành, đồng thời chú trọng quảng bá thương hiệu và chăm sóc sau bán hàng. Có thể nói CVĐ không chỉ làm thay đổi thói quen, mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước đối với mỗi người dân. Đó chính là hiệu quả thiết thực của CVĐ này.

 

Tuy vậy, cũng là một người dân đi mua sắm, tôi không khỏi băn khoăn khi thấy thái độ ứng xử của một số doanh nghiệp, người bán hàng với NTD không được ân cần, đúng mực, thậm chí còn có những lời nói thiếu văn hóa. Và một trong những điểm yếu của hàng Việt là khâu phân phối sản phẩm đến NTD và chế độ khuyến mãi, dịch vụ chăm sóc sau khi mua hàng không được chu đáo. Cá biệt, có những thông tin về sản phẩm không được rõ ràng, không trung thực khiến NTD khó nhận biết, nhất là đối với thị trường nông thôn, người dân vừa thiếu hiểu biết lại vừa thiếu thông tin; một số doanh nghiệp sử dụng các chương trình khuyến mại để tiêu thụ hàng tồn, hàng nhái hoặc hàng sắp hết hạn sử dụng. Những hạn chế, thiếu sót này đã làm cho NTD cảm thấy không được tôn trọng, thậm chí là mất niềm tin vào hàng Việt nói chung. Từ thực tế đó, chúng ta khó có thể kêu gọi họ mua những sản phẩm được sản xuất trong nước; càng không thể đánh giá họ là không yêu nước nếu họ không sử dụng hàng Việt.

 

Thiết nghĩ, để hàng Việt đến với người Việt một cách thực sự, cần có sự chung tay của cả Nhà nước, NTD và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải là lực lượng tiên phong. Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ. Với NTD, cần đánh giá công tâm, khách quan đối với từng sản phẩm để lựa chọn sử dụng, từ đó trở thành người tiêu dùng thông minh, góp phần thúc đẩy phát triển đối với những mặt hàng đảm bảo chất lượng. Còn doanh nghiệp có thu hút được NTD hay không phụ thuộc hoàn toàn vào sản phẩm của họ. Mỗi doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, coi trọng NTD không chỉ thông qua chất lượng sản phẩm mà còn ở chất lượng phục vụ ngay khi bán hàng và cả sau khi bán hàng; cần có cơ chế bảo hành sản phẩm và phục vụ tận tình. Và một điều quan trọng không thể thiếu là phải cung cấp thông tin trung thực đến khách hàng, lắng nghe nhu cầu của họ để thấu hiểu và phục vụ tốt hơn, tạo dựng niềm tin để NTD yên tâm và thấy tự hào khi sử dụng hàng Việt.