Vào buổi chiều mùa thu, cho xe chạy men theo bờ sông Cầu qua địa bàn các xã Tiên Phong, Đông Cao, Tân Hương… của huyện Phổ Yên, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chiếc diều sáo kêu vi vu. Trẻ con, người lớn ai nấy dường như quên hết mệt nhọc, mải mê theo những cánh diều no gió. Tiếng reo hò, cổ vũ như làm xua tan không khí yên ắng của vùng quê thanh bình.
Em Nguyễn Xuân Mai, ở xóm Thanh Xuyên, xã Đồng Tiến nói: Em rất thích chơi diều sáo. Vào chiều tối, ra đồng thả diều cùng các bạn em thấy tinh thần thoải mái, sảng khoái để học tập và làm việc tốt hơn. Còn anh Nguyễn Văn Thắng, người thôn Giã Trung, xã Tiên Phong thì cho biết: Mỗi khi trời có gió, thanh niên chúng tôi thường rủ nhau thả diều ven đê. Đêm đến, đèn ở những con diều sáo chiếu sáng cả một khoảng trời. Có hôm trời đẹp, chúng tôi còn mải mê chơi suốt đêm. Để làm được một bộ sáo diều hay phải rất tỉ mỉ từ khâu chọn vật liệu để làm thân diều, phải chọn được bộ ống sáo tốt và dây diều thật chắc chắn. Mỗi chiếc sáo có âm thanh trầm bổng khác nhau tùy theo “tay nghề’ của người chơi diều. Vì vậy, bộ sáo được người chơi rất quý và trân trọng. Khi diều bị đứt dây, dù mất thời gian và công sức thế nào cũng phải tìm bằng được bộ sáo đem về.
Quan sát những chiếc diều đang bay lượn trên bầu trời, chúng tôi thấy có đủ các loại màu sắc: hồng, xanh, trắng đỏ kết hợp. Đa phần những chiếc diều sáo này đều do người dân tự làm bằng những nguyên liệu có sẵn và trang trí theo sở thích của mình. Có chiếc nhỏ xinh hình cánh bướm dành cho thiếu nhi, cũng có chiếc dài khoảng 5m và có ống sáo to như bắp chân, trị giá hàng triệu đồng dành cho những người “ham” diều. Không quá cầu kỳ, những chiếc diều chủ yếu là sự kết hợp giữa hình dạng đơn sơ của cánh diều và âm thanh của tiếng sáo. Sau một ngày lao động vất vả, được nghe tiếng sáo diều vi vu cũng khiến người nông dân thanh thản, quên đi những nhọc nhằn của công việc đồng áng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn xã Tiên Phong xuất hiện nhiều diều sáo nhất, trên 100 cái. Thú vui thả diều đã lan rộng trong xã. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất và gây nguy hiểm đối với người dân. Bởi 1 chiếc diều sáo khi rơi, dây của chúng có thể ảnh hưởng đến vài sào lúa đang trỗ. Hơn nữa, diều có thể vướng vào dây điện, chủ diều giật dây để kéo diều xuống, rất dễ xảy ra nguy cơ chập điện, gây ra cháy nổ. Hơn nữa, khi diều mắc vào dây điện cũng có thể gây ra phóng điện gây nguy hiểm cho người chơi diều. Đầu tháng 9, trên địa bàn xã đã xảy ra sự cố chập điện làm hỏng mạng lưới điện trung thế do diều, gây gián đoạn việc cung cấp điện phục vụ sản xuất và dinh hoạt cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết: Trước phong trào chơi diều phát triển rầm rộ, từ đầu tháng 8, chúng tôi đã có văn bản tổ chức tuyên truyền đến các thôn, xóm và các hộ dân không được thả diều vào thời vụ lúa trỗ để tránh ảnh hưởng đến năng suất; đồng thời, nghiêm cấm thả diều ở những khu dân cư đông đúc để đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão.
Có thể thấy, thả diều là trò chơi lành mạnh, giúp thanh thiếu niên được thư giãn, tránh xa trò chơi điện tử, game, online và các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, để tránh gây ra những hiểm họa thì chính quyền địa phương cùng gia đình cần tuyên truyền cho các em chỉ nên thả diều ở những nơi an toàn, không gian thoáng đãng, nhất là cần tránh xa những đường dây điện, hoặc nơi đông người qua lại để đảm bảo an toàn.