Công trình cấp nước sinh hoạt ở xóm An Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai) được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 900 triệu đồng, nhằm phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân của 3 xã: Cúc Đường, Thượng Nung, Thần Sa hiện đang sinh sống ở khu vực Nước Hai. Thế nhưng, người dân vẫn chưa bao giờ được sử dụng nguồn nước từ công trình này...
Công trình cấp nước … không có nước
Anh Lương Văn Chung, một hộ dân ở xóm An Thành (xã Thượng Nung) cho biết: Hằng ngày, tôi vẫn phải sang nhà chị Ma Thị Son, người cùng xóm xin nước về dùng trong sinh hoạt gia đình. Bởi gia đình tôi chưa có điều kiện khoan được giếng nước, còn công trình cấp nước sinh hoạt ở gần nhà đã hoàn thành từ tháng 10-2009 lại đang trong tình trạng "không một giọt nước".
Theo chân anh Chung đi xin nước, chúng tôi nhận thấy, nước mà gia đình anh Chung, chị Son vẫn dùng hằng ngày được bơm lên từ hang nước gần nhà chị Son. Chị Ma Thị Son bức xúc: Kể từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước ở đây, mỗi hộ dân đã được lắp hệ thống ống dẫn nước về tận nhà. Thế nhưng, chúng tôi chưa bao giờ được dùng nước từ công trình. Cụ Ngô Thị Lạc, người dân cùng xóm, năm nay đã hơn 80 tuổi, cũng nói: Từ khi có công trình nước sạch này, bà thấy duy nhất 1 lần có nước chảy về nhà và chỉ hứng được nửa chậu là hết nước. Không biết bao giờ mới có nước trở lại?
Đến 2 xóm: Mỏ Chì (xã Cúc Đường), Kim Sơn (xã Thần Sa), nơi các hộ dân cũng được hưởng lợi từ công trình cấp nước được xây dựng ở xóm An Thành, chúng tôi nhận thấy vòi nước ở đây đều trong tình trạng tương tự... Khi đến Nhà trạm bơm cấp nước của công trình, nơi đặt máy bơm để bơm nước lên bể chứa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là Nhà trạm bị bao bọc um tùm bởi cỏ gai, cửa khóa đã bị cậy mở, bên trong chỉ còn có một hộp điện, hai đoạn ống kẽm nằm ngổn ngang. Theo lời kể của một số hộ dân, trong quá trình thi công tuyến đường vào trung tâm xã Thượng Nung, nhiều đoạn ống dẫn nước của công trình đã bị máy xúc của đơn vị thi công làm đứt, vỡ ống...
Lãnh đạo xã: "Chưa thấy ai báo cáo"
Công trình cấp nước sinh hoạt nói trên được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và vốn nhân dân đóng góp (10%), do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Mặc dù đây là công trình nhằm phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân ở khu vực Nước Hai của 3 xã nói trên nhưng UBND xã Cúc Đường được giao trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác từ tháng 10-2009. Vấn đề đáng nói là kể từ ngày được bàn giao, đưa vào sử dụng, người dân sống ở khu vực Nước Hai chưa bao giờ thấy… nước chảy về nhà.
Trước thực trạng này, người dân ở đây đã nhiều lần có đơn đề nghị gửi lên UBND xã đề nghị xem xét giải quyết, thậm chí đã có ý kiến, kiến nghị cả trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Song đến nay, công trình vẫn bị... bỏ quên, gây lãng phí tài sản của Nhà nước, người dân thì vẫn thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Đem những bức xúc của bà con trong khu vực trao đổi với lãnh đạo xã Cúc Đường, ông Ma Công Hàm, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin với chúng tôi: Hiện, xã đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục để mắc điện, bơm cấp nước cho bà con từ công trình này... Tuy nhiên, trước câu hỏi của chúng tôi về việc Nhà trạm bơm đã bị cậy cửa, máy bơm điện không còn, ông Hàm trả lời: Đến nay, chúng tôi chưa thấy ai báo cáo về việc này. Hôm chúng tôi đi kiểm tra, cửa vẫn khóa (?). Ông Hàm còn cho biết thêm: Theo quy trình thì phải họp lãnh đạo 3 xã để bàn, thống nhất thành lập tổ quản lý, vận hành, khai thác công trình, có sự tham gia của người dân 3 xã... Tuy nhiên, ông Hàm lại đặt ra một câu hỏi khiến chúng tôi khá ngỡ ngàng: Ai sẽ là người tổ chức họp khối dân 3 xã để cử ra tổ quản lý? Từ trước đến nay, chưa có ai tổ chức một cuộc họp nào giữa lãnh đạo UBND, nhân dân 3 xã để thống nhất thành lập tổ quản lý. Trước tiên, chúng tôi sẽ cố gắng làm mọi việc để bơm, cấp nước cho các hộ dân của xóm Mỏ Chì (!?).
Qua đây có thể thấy, UBND xã Cúc Đường là đơn vị được giao trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác công trình. Song, các cán bộ xã chưa thực sự quan tâm giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân địa phương, thiếu trách nhiệm trong quản lý dẫn đến công trình bị hư hỏng, xâm hại. Trong quá trình khắc phục, lại tỏ ra chậm trễ, lúng túng...
Xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ qua một thời gian, nhiều công trình cấp nước đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không còn phát huy tác dụng, lại chưa được quan tâm duy tu, sửa chữa kịp thời. Hậu quả là người dân vẫn thiếu nước sử dụng. Từ thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có giải pháp kịp thời, hiệu quả, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sát tới đời sống của bà con nhân dân ở các địa phương khó khăn...