Cùng nông dân giảm nghèo

08:52, 24/09/2012

Đây là mục tiêu tổng thể mà Dự án ECCODE do Ủy ban châu Âu và tổ chức CARE (Đan Mạch) tài trợ được triển khai thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ LHPN tỉnh trong thời gian 4 năm (2008-2012) tại 8 xã của huyện Định Hóa. Kết thúc Dự án, đã thành lập được 130 tổ hợp tác và nhóm sở thích với trên 2 nghìn thành viên; 14 mô hình sinh kế phù hợp với sở thích của người dân và điều kiện tự nhiên tại địa phương (trồng nấm, trồng và chế biến chè, trồng lúa, nuôi ong, nuôi gà, sản xuất mỳ gạo…); hơn 1.200 cán bộ, hội viên các cấp được tập huấn kỹ năng và kiến thức; …

Có rất nhiều mô hình tổ, nhóm hoạt động hiệu quả, đang được người dân nhân rộng như chăn nuôi gà, ong, trồng chè, sản xuất mỳ… Chị Nguyễn Thị Bảy, thôn 1, xã Phú Tiến (Định Hóa), tham gia Dự án từ cuối năm 2009 và được hỗ trợ kinh phí để mua 50 con gà giống về chăn nuôi theo phương pháp bán chăn thả và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc gà từ 1 ngày tuổi đến khi xuất chuồng. Những kiến thức ở lớp tập huấn được chị Bảy ghi chép cẩn thẩn và thực hiện nghiêm túc nhưng do lứa đầu tiên chưa nắm chắc kiến thức nên sau 3 tháng chăn nuôi, chị chỉ lãi 2 triệu đồng. Lứa thứ hai chị nuôi 100 con, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên tỷ lệ gà khỏe mạnh đạt trên 90%. Chị đã đầu tư mở rộng chuồng trại để nuôi 300 con và cứ sau 1 tháng lại mua thêm 300 con nữa để nuôi gối, như vậy tháng nào gia đình chị cũng có gà xuất bán. Ban đầu, chị Bảy phải mang ra chợ, dần dần tư thương biết và đến tận nhà để thu mua, đến nay số lượng gà của gia đình chị không đủ cung cấp cho thị trường. Chị Bảy nói với chúng tôi: Nhóm sở thích nuôi gà Thôn 1 lúc đầu chỉ có 12 người, đến nay đã có trên 20 người tham gia. Được Dự án đứng ra tín chấp, nhóm được vay trên 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện…

 

Những phụ nữ nghèo ở xóm Phú Hội 2, xã Sơn Phú được Dự án hỗ trợ 10 bộ tôn sao chè cho cả nhóm. Các thành viên trong nhóm đã chia thành 5 tổ, mỗi tổ từ 3-4 chị đóng góp khoảng 5 triệu đồng/hộ để xây dựng xưởng chế biến chè tập trung, đồng thời bầu tổ trưởng để kiểm tra chất lượng chè của các nhóm khác trước khi bán ra thị trường, từ đó cùng nhau rút kinh nghiệm trong lần chế biến sau. Ngoài hỗ trợ dụng cụ sao sấy, Dự án còn hướng dẫn thực hiện trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn chất lượng) và hiện nay được cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, cả nhóm có khoảng 5ha, trong đó có khoảng 70% diện tích đã chuyển sang trồng chè cành với các giống Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, TRI777… năng suất bình quân đạt 20kg chè búp khô/sào.

 

Bà Chrirtina Northey, Phó Giám đốc chương trình Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Khi triển khai Dự án chúng tôi mong muốn mang đến cho người dân kiến thức để sau này họ có thể áp dụng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vì thế Dự án chỉ hỗ trợ ban đầu một phần vốn rất nhỏ để động viên người dân và cơ hội để thử sức, khi thấy hiệu quả, chính họ sẽ tự nhân rộng và tuyên truyền tới những người xung quanh, đó là thành công lớn nhất của Dự án. Trên quan điểm của Dự án là đồng hành cùng nông dân để cung cấp cho họ những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, chứ không tài trợ hoàn toàn hay cho nông dân một khoản tiền để sau khi Dự án kết thúc thì người dân cũng tiêu hết tiền. Chúng tôi hy vọng khi dự án kết thúc sẽ để lại những mô hình hiệu quả để người dân tự nhân rộng… 

 

Nói về hiệu quả Dự án, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Từ những khó khăn của người dân miền núi Định Hóa như: hạn chế các phương án phát triển kinh tế, thiếu kỹ năng kinh doanh và kết nối thị trường, thiếu kiến thức KHKT, thiếu vốn… Dự án đã giúp người dân từng bước khắc phục những khó khăn đó thông qua việc thành lập và phát triển tổ nhóm sở thích; tập huấn kiến thức KHKT, kỹ năng giao tiếp, tiếp cận thị trường; kết nối tín dụng với Ngân hàng Chính sách, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, tín dụng thôn bản, tạo nhiều sự lựa chọn, cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khác nhau cho nông dân… Đến nay, các thành viên của 14 tổ, nhóm đã được vay trên 5,5 tỷ đồng từ Ngân hàng chính sách; 18 tổ, nhóm với trên 300 thành viên huy động được số tiền tiết kiệm được trên 960 triệu đồng cho hội viên vay; 70 thành viên được vay trên 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo… Từ nguồn vốn này, cùng với những kiến thức, kỹ năng mà Dự án mang lại, chắc rằng những nông dân, phụ nữ nghèo ở Định Hóa sẽ có thêm động lực, niềm tin để đưa ra quyết định lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho hộ gia đình nông thôn...