Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả thấp

17:23, 07/09/2012

Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ) đã chủ trì Hội nghị giao ban toàn quốc về tình hình thực hiện Đề án năm 2012.

Dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm cầu của tỉnh do đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và đại diện các sở, ngành liên quan.

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương, hiện cả nước có 434 trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp dạy nghề công lập cấp huyện (còn 263 huyện thuộc 39 tỉnh chưa có). Từ khi thực hiện Đề án (2010) đến nay, các địa phương đã bổ sung chức năng dạy nghề và đầu tư nâng cấp 97 trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngân sách Trung ương đã phân bổ 2.460 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện Đề án cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ dạy nghề cho 530 cơ sở đào tạo nghề và trên 8.89,7 nghìn lao động nông thôn được học nghề.

 

Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã chủ động tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 883 giáo viên dạy sơ cấp nghề; bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho gần 2 nghìn người. Tổng hợp báo cáo của 49 địa phương (các tỉnh khác chưa có báo cáo) mới tổ chức dạy nghề cho 135.397 lao động nông thôn (đạt trên 28% kế hoạch năm).

 

Nhìn chung, kết quả thực hiện Đề án trong 6 tháng đầu năm của cả nước còn thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt; việc tuyên truyền, hình thức tuyên truyền cho lao động nông thôn chưa sát thực tế. Việc tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện của các địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm vùng, ngành kinh tế. Kết quả và hiệu quả dạy nghề còn thấp…

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các địa phương phát huy tối đa hiệu quả của các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên; Đối với 1.700 xã (chiếm 16% số xã) chưa thành lập được tổ dạy nghề nông thôn phải kiện toàn trong năm nay; các cấp, ngành cần bám sát nội dung kế hoạch hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm…