"Con đập có thể an toàn trong thời điểm xảy ra động đất, trong tương lai có thể vẫn an toàn. Song người dân thì không an toàn".
Như tin đã đưa rạng sáng nay (18/9), tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam lại xảy ra 3 trận động đất nhẹ. Tuy nhiên, các trạm quan trắc quốc gia đặt ở Bình Định và Thừa Thiên - Huế không đo được 2 trận động đất nhỏ này.
Các trận rung chấn xảy ra vào lúc 1h, 4h35 và 4h45 sáng. Người dân và cán bộ huyện Bắc Trà My lại một lần hoang mang bởi nhà cửa rung lắc, vật dụng chao đảo. Các hộ dân sống ở những huyện lân cận như Tiên Phước, Nam Trà My, Hiệp Đức cũng cảm nhận được các đợt rung chấn này.
Như vậy chỉ trong vòng 2 ngày qua, tại huyện Bắc Trà My đã xảy ra 5 trận động đất lớn nhỏ. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, những trận động đất liên tiếp khiến người dân không dám lên nương làm rẫy, sinh hoạt bị đảo lộn. UBND huyện Bắc Trà My có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và cử cán bộ về các xã kiểm tra tình hình thiệt hại, đồng thời vận động người dân an tâm.
Máy không đo được động đất nhẹ?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu khẳng định, đây là 3 trận động đất nhỏ, nên các máy quan trắc động đất trong hệ thống trạm địa chấn quốc gia đặt tại tỉnh Bình Định và tỉnh Thừa Thiên - Huế không đo được cường độ.
Bởi vậy, Viện Vật lý địa cầu rất trông đợi 5 thiết bị quan trắc địa phương đặt tại khu vực huyện Bắc Trà My để có thể có những số liệu chính xác, từ đó đưa ra những kết luận chính xác hơn. Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đang xúc tiến nhanh các thủ tục để sớm có thể lắp đặt hệ thống quan trắc này, phấn đấu trong đầu tháng 10 có thể bắt đầu xây dựng.
Ông Nguyễn Hồng Phương khẳng định, trong điều kiện không có các trạm quan trắc, không có số liệu khoa học thì chưa thể có được kết luận cuối cùng về nguyên nhân động đất.
Nên di dời dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng
Trong thời gian chưa có kết quả cuối cùng, theo ông Nguyễn Hồng Phương, chính quyền địa phương nên chủ động di dời dân ra khỏi vùng chấn động cực đại, để tránh thiệt hại về người và tài sản.
Ông Phương khuyến cáo: Về mặt lý thuyết, con đập có thể an toàn trong thời điểm xảy ra động đất, trong tương lai có thể vẫn an toàn. Song người dân thì không an toàn. Chính quyền địa phương phải có phương án, kế hoạch hành động di dân, kể cả trước mắt cũng phải có kế hoạch dãn dân ra khỏi vùng cực động.
Ông Nguyễn Hồng Phương cho rằng, dẫn đến động đất có nguyên nhân do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Vì vậy các nhà khoa học đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư công trình này, cần có trách nhiệm với người dân địa phương bị ảnh hưởng động đất ổn định cuộc sống./.