Cuộc sống gia đình tôi đang bình yên trở lại, trước đây thì khổ lắm…Đó là những lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lợi, 81 tuổi, tổ 4, phường Tân Long, T.P Thái Nguyên khi trò chuyện cùng chúng tôi về việc con trai bà được điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadonne.
Trở lại thời gian trước đây gần 20 năm, anh Lê Văn Cường (sinh năm 1971, con trai của bà Lợi) từng có một cuộc đời đẹp như nhiều bạn bè khác cùng trang lứa, năm 1992, khi bước sang tuổi 21, không cưỡng nổi trước sự cám dỗ của “nàng tiên nâu” Cường đã sa chân vào con đường nghiện ngập. Mặc dù đã có vợ và con gái nhưng do nghiện nên bản thân Cường suốt ngày chỉ lo “quay quắt” để kiếm tiền mua thuốc phiện hút. Gia đình đã đưa đi cai có đến vài chục lần ở các nơi, trong đó có cả Trung tâm cai nghiện của tỉnh, nhưng sau mỗi lần cai khoảng 10 đến 20 ngày là Cường lại tái nghiện. Sau nhiều năm, mẹ anh gần như buông xuôi bởi đã hết sự kiên nhẫn, tiền bạc và đồ đạc trong nhà cũng vì thế lần lượt ra đi để thỏa mãn cơn thèm ma túy của Cường.
Năm 2011, khi phương pháp điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được áp dụng ở một số địa phương, trong đó có địa bàn T.P Thái Nguyên, Cường được phường xét duyệt và đưa vào danh sách điều trị. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: Bắt đầu từ tháng 7/2011, đều đặn vào buổi sáng hàng ngày, anh đến uống thuốc (dung dịch Methadone) tại cơ sở điều trị nằm cạnh Trung tâm Y tế Thành phố. Việc uống thuốc rất đơn giản, nhưng được giám sát rất kỹ càng, sau hơn 20 ngày uống thuốc, anh không còn cảm giác thèm ma túy nữa, hiện nay thuốc đang được miễn phí nên anh cũng không mất tiền mua. Đoạn tuyệt được với ma túy, anh có thời gian chăm sóc gia đình, tự tay tu sửa nhà cửa, vợ anh trước đây vì quá giận anh nên đã bỏ về nhà mẹ đẻ, nay cũng đã quay về cùng anh buôn bán kiếm tiền và chăm lo cho các con ăn học. Thực lòng thì đến tuổi này, tôi và nhiều bạn cùng lứa muốn bỏ lắm, nhưng có lẽ do chưa có đủ quyết tâm và nghị lực nên chưa dứt ra được, nay có loại thuốc thay thế này rất hiệu quả, đúng là cứu cánh cho những người nghiện, anh Cường đã nói với chúng tôi như vậy.
Trường hợp thứ hai mà chúng tôi tìm gặp đó là anh Dương Văn Doanh, 49 tuổi, trú tại xóm Hắng, xã Hồng Tiến (Phổ Yên). Anh Doanh cũng là người đã mắc nghiện lâu năm (từ 1991), trước đây mỗi ngày anh tốn khoảng gần 500.000 đồng cho việc sử dụng ma túy, khi không có tiền thì vay mượn lung tung hoặc mang đồ đạc của nhà đi bán, tiền bản thân và gia đình kiếm được đều bị cuốn theo ma túy nên cả nhà anh gặp không ít phen lao đao, khổ sở. Khi được tiếp cận với Methadone (tháng 12/2011), anh cũng đã không tìm đến ma túy nữa, anh nói: Bây giờ vợ tôi không phải quản tiền như trước, tiền lãi ở cửa hàng bán thịt lợn và lò bánh mỳ ngoài chợ, tôi dành dụm để lo việc gia đình. Tôi có hai con đang học đại học, trước đây rất xấu hổ mỗi lần nói với chúng, bây giờ tôi có đủ tự tin để chỉ bảo các con làm những điều có ích cho gia đình và xã hội.
Trao đổi với Tiến sĩ Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, chúng tôi được biết, từ tháng 6 năm 2011, cơ sở đầu tiên điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được triển khai tại Trung tâm Y tế Đồng Hỷ, cho đến nay, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở đặt tại T.P Thái Nguyên, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, các cơ sở này hiện đang điều trị cho trên 1.300 trường hợp nghiện ma túy. Tiến sĩ Bùi Văn Hoan khẳng định: Dùng Methadone là biện pháp rất hiệu quả, vì là thuốc uống nên đã loại bỏ hẳn được nguy cơ lây nhiễm HIV. Trên thế giới biện pháp này đã được áp dụng ở nhiều nước trong đó có cả Mỹ, Thái Lan, ở nước ta hiện đã có 15 tỉnh áp dụng phương pháp này. Methadone là loại thuốc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện, nó có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định (thường là trong khoảng 24 giờ) nên phải được uống đều đặn hàng ngày.
Trong thời gian đầu khi dùng thuốc, các bác sĩ sẽ tiến hành định lượng thuốc mà bệnh nhân cần uống, thời gian này mất khoảng trên một tháng, sau đó sẽ tiến hành duy trì liều điều trị và giảm dần. Với những bệnh nhân đã dùng thuốc này, nếu có quyết tâm từ bỏ ma túy, sau một thời gian giảm liều sẽ tiến tới dừng hẳn và không cần dùng thuốc nữa. Việc quản lý thuốc Methadone được thực hiện hết sức chặt chẽ, các bệnh nhân phải đến tại cơ sở điều trị để uống thuốc dưới sự giám sát của cán bộ chuyên môn. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân còn được khám sức khỏe, tư vấn để điều chỉnh các hành vi có hại cho sức khỏe. Về kinh tế, loại thuốc Methadone này có giá rất rẻ, chi phí cho 1 bệnh nhân đã nghiện ma túy 20 năm, tốn chưa đầy 20.000 đồng/ngày, bên cạnh đó khi người nghiện không tìm mua ma túy nữa sẽ làm giảm các tệ nạn xã hội liên quan tới việc buôn bán ma túy.
Qua thực tế hơn 1 năm, hiệu quả của việc điều trị thay thế bằng Methadone đã thấy rõ, có rất ít bệnh nhân bỏ liều điều trị, ghi nhận tại các xã, phường cho biết, số người nghiện này đã không tìm mua ma túy nữa. Tuy nhiên hiện nay, cán bộ tại các cơ sở điều trị một phần là kiêm nhiệm, còn lại là hợp đồng, thù lao của số cán bộ này đều do tổ chức nước ngoài (Ngân hàng Thế giới - WB, LIFE-GAP) trả nên họ chưa thực sự yên tâm công tác. Nguồn thuốc do Quỹ toàn cầu và tổ chức PEPFAR cấp miễn phí đến 2015 cũng sẽ chấm dứt, trong khi thuốc Methadonne chưa sản xuất ở trong nước được thì tìm nguồn thuốc ở đâu, giá thành thế nào đang là vấn đề đặt ra.
Theo ý kiến của bà Lê Ái Kim Anh, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay có rất nhiều đối tượng xin được điều trị bằng Methadone nhưng các cơ sở chưa đáp ứng được, vì thế trong thời gian tới việc tăng chỉ tiêu điều trị là việc làm cần thiết, bên cạnh đó, hàng năm tỉnh cần quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị, bố trí biên chế cho các cơ sở điều trị. Trong khi kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp thì phương án xã hội hóa, nhà nước trả lương cho cán bộ phục vụ điều trị, người nghiện tự bỏ tiền trả chi phí mua thuốc uống là vấn đề cần được tính tới.
Hy vọng với sự nỗ lực của các ban, ngành chức năng, sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội, tỉnh ta sẽ từng bước giảm được số người nghiện ma túy, ngăn chặn được sự lây lan của HIV ra cộng đồng.