Nghị định 52 và những ghi nhận ở …cây xăng

09:01, 26/09/2012

Ngày 14-6-2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2012/NĐ-CP về lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, nguyên tắc, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt… về vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Đến nay, đã hơn 1 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (ngày 5-8-2012),  nhưng trên thực tế còn nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập khi áp dụng. Đặc biệt là vấn đề sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) ở tại các trạm xăng dầu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ khi có Nghị định và được tuyên truyền rộng rãi, ý thức của người dân đã có những chuyển biến đáng kể. Hầu hết, các cây xăng đã cho niêm yết các biển báo, biển cấm về quy định PCCC theo quy định. Chủ cửa hàng, nhân viên bơm xăng  đã nhắc nhở đối với các khách hàng sử dụng ĐTDĐ trong khi bơm xăng. Chị Vũ Thị Thanh, Quản lý trạm xăng dầu tại đầu cầu Gia Bảy (thuộc tổ 1, xã Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên) cho biết: Việc cấm và xử phạt đối với người sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng, chúng tôi đã từng nghe qua. Chúng tôi đã yêu cầu các nhân viên bán xăng phải nhắc nhở khi thấy khách hàng nghe, gọi điện thoại trong khi vào đổ xăng.

 

Anh Phạm Việt Huy, cửa hàng trưởng cửa hàng Xăng dầu số 50, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên (thuộc Công ty Xăng dầu Bắc Thái) khẳng định: Công ty đã gửi thông báo kèm toàn bộ nội dung của Nghị định đến từng cửa hàng, từ đó cửa hàng trưởng phổ biến cho cán bộ, công nhân viên yêu cầu nhắc nhở đối với khách hàng vi phạm. Trách nhiệm trong PCCC trước hết thuộc về chúng tôi, bởi nếu xảy ra sự cố, chủ doanh nghiệp đương nhiên là người chịu hậu quả. Do đó, chúng tôi có ý thức chấp hành các quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, những bất cập khi thực hiện NĐ cũng khá nhiều.

 

Theo Điều 11 của Nghị định, hành vi sử dụng ĐTDĐ tại những nơi có quy định cấm (trong đó có cây xăng) sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng (cao gấp 10 lần so với quy định cũ). Đây là một trong những hành vi rất dễ phát hiện, nhưng trên thực tế lại khó xử lý. Chị Trương Thị Thủy, nhân viên cây xăng tại số 880, đường Cách mạng tháng Tám (T.P Thái Nguyên) cho biết: tôi từng phát hiện và nhắc nhở khách hàng không nên sử dụng ĐTDĐ khi đang đổ xăng. Có người chấp hành ngay, nhưng cũng có người bỏ ngoài tai, thậm chí con tỏ thái độ không hài lòng. Chúng tôi cũng chẳng biết xử lý thế nào. Anh Phạm Văn Huy thì cho rằng: không ai muốn vi phạm quy định này, nhưng có lẽ vì thói quen nghe điện thoại mỗi khi có cuộc gọi đến mà nhiều người quên mất rằng “mình đang ở đâu”. Còn chị Vũ Thị Thanh thắc mắc: Chúng tôi chỉ biết nhắc nhở khách hàng, nhưng nếu khách hàng không tuân thủ, vẫn cố tình vi phạm thì không biết cơ quan nào sẽ vào cuộc xử lý và mức xử phạt như thế nào? Rất nhiều người cũng có cùng ý kiến với chị Thanh. Trên thực tế, phần lớn người dân, kể cả nhân viên cây xăng chỉ biết rằng có quy định cấm sử dụng ĐTDĐ khi đến bơm xăng và có hình thức xử phạt hành chính khá cao nhưng không biết cụ thể là bao nhiêu? Ai là người có chức năng xử phạt và được quy định tại Nghị định nào? Theo quan sát của chúng tôi, ngay cả một số nhân viên bán xăng còn vô tư sử dụng ĐTDĐ trong lúc vắng khách. Bên cạnh đó, khi được hỏi, nhiều người dân còn chưa từng nghe nói đến quy định mới này.

 

Tại điểm b, Khoản 1, Điều 11 của Nghị định này ghi rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối với hành vi: Mang diêm, bật lửa, ĐTDĐ, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm. Thực tế cho thấy, để thực hiện điều này không đơn giản. Bởi hiện nay, hầu hết ai cũng sử dụng ĐTDĐ như một phương tiện liên lạc không thể thiếu. Không lẽ mỗi lần rẽ vào cây xăng, họ phải “gửi” điện thoại ở ngoài? Ngay cả một việc đơn giản là tắt nguồn điện thoại trước khi vào đổ xăng cũng đã là khó khi ý thức của người dân vẫn chưa cao… Trong khi đó, không thể tự nhiên đi “khám xét” những người đến đổ xăng. Chưa kể đến khó khăn về yếu tố con người để thực hiện nhiệm vụ này khi lực lượng cán bộ ít mà công việc khác lại rất nhiều. Và, nếu làm quyết liệt, cấp có thẩm quyền phải bố trí người “trực” tại các cây xăng. Đây cũng là điều băn khoăn của đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh).

 

Việc ban hành quy định mới về PCCC theo Nghị định 52 là rất cần thiết và có tính răn đe để ngăn ngừa cháy nổ do ĐTDĐ gây ra, khi thiết bị này đã phổ biến trong nhân dân. Không những vậy, Ngoài ĐTDĐ, máy nhắn tin, máy ảnh, camera, thu phát sóng cũng bị cấm sử dụng tại các khu vực cấm, có nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, để Nghị định này thực sự đi vào cuộc sống thì quan trọng nhất vẫn là do ý thức của người dân. Làm sao để làm thay đổi nhận thức của họ trở thành thói quen. Để làm được điều này, thiết nghĩ trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, ở tại cơ quan, trường học, tổ dân phố… Bên cạnh đó, ngoài các biển báo, biển cấm, các cây xăng cũng cần niêm yết quy định mức xử phạt ở nơi dễ quan sát để người dân biết. Các cấp, ngành chức năng cũng phải vào cuộc quyết liệt, tiến hành xử phạt những người vi phạm để răn đe những người khác…