Trên địa bàn Thái Nguyên có hơn 8.000 cơ sở thực phẩm, trong đó có 1.576 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 3.558 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 2.890 cơ sở dịch vụ ăn uống.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp tốt với các địa phương, các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm hạn chế những tác hại do thực phẩm không an toàn gây ra.
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, huyện đã được quan tâm kiện toàn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh được tăng cường, qua đó đã tổ chức các hội nghị phát động: Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm năm 2012 với 6.439 người tham dự; tổ chức 345 buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông về an toàn thực phẩm với 35.220 người tham dự; mở 98 lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho 5.372 học viên; tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng 48 lượt và trên loa truyền thanh 802 lượt; triển khai thực hiện tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm bằng hình thức treo băng zôn, áp phích và băng đĩa hình tại các cơ sở bảo đảm theo kế hoạch.
Về công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và truyền bệnh qua thực phẩm, toàn tỉnh đã thành lập 227 đoàn kiểm tra, thanh tra, trong đó có 192 đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể … Tổng số lượt cơ sở thực phẩm được kiểm tra gồm 5.550 lượt. Qua kiểm tra, có 4.049 cơ sở đạt yêu cầu, 1.051 cơ sở vi phạm, 79 cơ sở bị cảnh cáo, 43 cơ sở bị phạt tiền. Tổng số tiền phạt 33.550.000đồng. Các vi phạm chủ yếu là: vệ sinh môi trường nơi chế biến thực phẩm không bảo đảm; chưa tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động; chưa tổ chức học tập kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm; dụng cụ chế biến thực phẩm chưa sạch; hàng hoá còn vi phạm về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ. Về công tác xét nghiệm, các chỉ tiêu về xét nghiệm vi sinh vật, lí hoá đối với người sản xuất, chế biến thực phẩm, mẫu thực phẩm, mẫu nước, bao gói … cũng đã được triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, qua đó đã có tác dụng phát hiện và có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh sớm những tồn tại ở cơ sở.
Đối với việc triển khai thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, do thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến các tuyến huyện, xã nên việc cấp giấy chứng nhận bảo đảm đúng theo quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn thấp, nhất là tại tuyến xã, phường. Hiện nay, số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 27,5%.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương để chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc khắc phục hạn chế về công tác hậu kiểm việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở do còn hạn chế về nhân lực, thiết bị còn thiếu, chứa ngang tầm với nhiệm vụ được giao.