Nhọc nhằn con đường đến lớp

08:50, 15/09/2012

Dưới cái nắng rám trái bưởi của những ngày thu, con đường từ nhà đến trường của các em nhỏ bản vùng cao Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) càng trở nên xa lắc. Nhìn những giọt mồ hôi rơi lã chã theo từng vòng xe đạp quay, chúng tôi không khỏi chạnh lòng thương sót các em, thầm mong sao con đường đi tìm tri thức của các em vơi bớt nhọc nhằn.

Dẫn chúng tôi đi dọc đoạn đường lô nhô đá cuội, nhiều chỗ bị nước xối chảy thành rãnh ngay giữa đường, ông Nguyễn Văn Nội, Trưởng xóm Phú Thọ cho biết: Phú Thọ là xã vùng sâu, vùng xa của xã Phú Đô, xóm cách trung tâm xã 8km, trong đó phải mất hơn 2km là đường khó đi thế này. Để đến trường, các em nhỏ ở đây phải vượt nhiều dốc cao, qua con suối Phú Đô 2 mới ra được đường nhựa liên các xã Tức Tranh - Phú Đô - Yên Lạc, rồi theo đó đến trung tâm xã học chữ.

 

Trời nắng, các cháu đi học tuy có vất vả, nhưng còn đi được, chứ gặp mưa to ở vùng núi đá này, nước xối như thác chảy khó đi lắm, đặc biệt là có những lúc con suối Phú Đô 2 ngập sâu, không qua được, do vậy các cháu buộc phải nghỉ học. Xóm có 50 hộ thì 14 hộ dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc: Tày, Nùng, Sán Chí và Kinh với 212 nhân khẩu, trong đó 61 cháu trong độ tuổi đến trường. Các cháu học cấp 2, cấp 3 còn có thể tự đi xe đạp đến trường vào những ngày nắng ráo, còn đối với các cháu tiểu học và mẫu giáo thì phải có người lớn đưa đi. Vì vậy nên nhà nào có con đi học mẫu giáo hoặc tiểu học thì phụ huynh lại thêm vất vả đưa đón.

 

Anh Hoàng Văn Quảng tâm sự: Nhà tôi có 2 cháu, cháu lớn học tiểu học, cháu bé đi mẫu giáo, vợ tôi thì không biết đi xe máy nên việc đưa đón con hằng ngày do một mình tôi đảm nhiệm. Do trường của 2 cháu ở cách xa nhau nên việc đưa, đón các con càng trở nên vất hơn. Sáng, tôi phải dậy từ rất sớm để có thể tranh thủ được một số việc gia đình, 6 giờ là phải đưa con đến trường, vì tiểu học vào lớp sớm hơn nên thường thì tôi đưa cháu lớn đến phân trường Làng Vu trước, sau đó lại chở cháu bé ra trung tâm xã. Về nhà chỉ được 1 tiếng đồng hồ, đến 10 giờ là lại phải đi đón con về, do thời gian này, Nhà trường chưa tổ chức cho học bán trú nên buổi trưa tôi vẫn phải đi đón từng cháu. Ăn trưa xong, cho các cháu nghỉ ngơi một lúc đến 13 giờ lại phải chạy “một cua” nữa như vậy và đến 16 giờ là đón các cháu về.

 

Ngày nào cũng vậy, tính ra chỉ riêng việc đưa đón con đi học, mỗi ngày tôi phải chạy xe hơn 30km, chi phí hết hơn 10 nghìn đồng tiền xăng xe. Không chỉ thế, gia đình tôi vốn làm nông nghiệp, có 4 sào ruộng, khoảng 3.000m2 chè, tôi chỉ có thể tranh thủ được tí nào hay tí đó, còn lại dồn cả lên vai vợ tôi. Cứ hằng ngày đi học theo con như thế này, chẳng làm được gì không biết về lâu dài vợ chồng tôi kham được bao lâu việc nuôi con đi học?

 

Đến xóm Phú Thọ vào đúng giờ các cháu tan học, nên trên đường đi chúng tôi gặp rất nhiều học sinh đi học về. Điều làm chúng tôi thắc mắc là, nhiều học sinh không mang theo cặp sách. Khi được hỏi, em Lầu Thị Mai, học sinh lớp 5 trả lời: Vì đường xa, cặp sách lại nặng nên cô giáo cho để ở lớp để chúng cháu không phải đeo cặp về. Các bạn nhà xa đều làm như vậy, cứ học xong lại cho cặp sách vào ngăn bàn, hết giờ cô giáo khóa cửa lại, nên không sợ mất. Mai đi học, chỉ việc đi người không đến lớp là có sẵn sách, bút để học rồi. Gạt ngang dòng mồ hôi đang tuôn rơi, em Mai tiếp: Nhưng mà, nhiều lúc về nhà muốn giở sách ra ôn bài thì lại không có, nên những kiến thức cô giáo dạy có cái được, cái mất…

 

Đây cũng là một trong những khó khăn cản trở việc học của các cháu nhỏ vùng cao Phú Thọ. Để có nền kiến thức vững chắc, các cháu sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Là một học sinh giỏi 3 năm liền, em Hoàng Tuấn Anh, học sinh lớp 4, Phân Trường tiểu học Làng Vu chia sẻ: Xác định, thời gian học trên lớp là chính, nên trong lớp cháu luôn chú ý nghe giảng, chỗ nào chưa hiểu là hỏi cô giáo ngay cho đến khi hiểu rõ. Bài nào khó, cháu mới mang sách về ôn thêm ở nhà. Thương bố mẹ vất vả nuôi cháu ăn học, cháu luôn tự nhủ phải học thật tốt để không phụ công bố mẹ. Mấy hôm nay, cháu đã bắt đầu tập đi xe đạp đến trường để bố đỡ vất vả và dành thời gian cho việc đồng áng…

 

Ông Phạm Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Xã có 24 xóm, trong đó 2 xóm khó khăn nhất là Phú Thọ và Na Sàng. Đây là 2 xóm tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là dân tộc Mông. Riêng Phú Thọ, do địa hình đồi núi, lại xa trung tâm, nên các cháu nhỏ ở đây đi học rất vất vả. Trong khi đó, toàn xã chỉ có 1 trường mầm non mới được xây dựng vừa bàn giao đưa vào sử dụng trong năm học này, ngoài trường này, chưa có phân trường ở các xóm nên các cháu mẫu giáo bắt buộc phải ra tận trung tâm xã để học. Bậc THCS cũng chỉ có 1 điểm trường, chỉ có bậc tiểu học là có 3 phân trường là Làng Vu, Pháng 2 và Phú Nam 3. Phân trường Làng Vu gồm học sinh 7 xóm: Làng Vu 1, Làng Vu 2, Phú Đô 2, Phú Thọ, Núi Phật, Na Sàng, Phú Bắc. Phân Trường Pháng 2 gồm 8 xóm: Pháng 1, 2, 3, Cúc Lùng, Chợ, Khe Vàng 1, 2, 3. 9 xóm còn lại là Phú Nam 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và Ao Cống các cháu học ở phân trường Phú Nam 3.

 

Khó khăn là thế, nhưng bà con ở đây rất quan tâm đến việc học tập của con em, mấy năm gần đây, không có trường hợp trẻ trong độ tuổi đến trường bỏ học, đặc biệt là bậc học mẫu giáo và tiểu học (100% các cháu được ra lớp). Nhiều em còn đạt học sinh giỏi. Một tin vui mới cho bà con vùng cao Phú Thọ là, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, từ nay đến cuối năm, xóm sẽ được đầu tư làm 400m đường bê tông theo nguồn vốn 135. Hiện nay, con đường đã được thiết kế, lập dự toán. Hy vọng con đường sẽ sớm được đưa vào sử dụng để phục vụ việc đi lại của bà con trong xóm, đồng thời giảm bớt những nhọc nhằn cho các cháu trên con đường đi tìm tri thức.