Nỗi đau ở La Pán Tẩn

09:38, 09/09/2012

Chuyến xe khách xuất phát lúc 19h ngày 7-9 từ bến Mỹ Đình chạy khá nhanh nhưng sao chúng tôi vẫn thấy chậm. Chạy xuyên đêm trên quốc lộ 32, đến 3h sáng 8-9, tới ngã ba Kim, chúng tôi quyết định dừng chân đợi trời sáng để tìm cách tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi ở khu vực mỏ khai thác quặng chì tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), làm 20 người chết và mất tích.

Nước mắt dọc đường vào

 

Từ trung tâm xã vào bản La Pán Tẩn chừng 4km nhưng đường vô cùng lầy lội, khó đi bởi những trận mưa mấy ngày qua. Cả dãy dài xe của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải cùng các ban, ngành, các đoàn từ thiện đến với La Pán Tẩn nối đuôi nhau đỗ dài ở trung tâm xã. Từ trung tâm xã, để vào được bản cùng mang tên phải leo bộ trên con đường nhão nhoét bùn lầy. Thi thoảng có một chiếc xe U-oát chuyên dụng hoặc một vài xe máy của người dân bản địa lốp cuốn xích sắt ì ạch rồ ga bò lên dốc...

 .

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến có lẽ cũng là gia đình chịu nhiều nỗi đau từ vụ thảm họa nhất. Nhà có 7 người thì có tới 3 người bị vùi sâu trong đất đá. Đó là hai vợ chồng ông Hảng Tống Chua và Thào Thị Của cùng con trai Hảng A Giàng ở bản La Pán Tẩn. Khi chúng tôi có mặt, mẹ ông Chua đang ngồi thẫn thờ nhìn vào bếp lửa đã rụi tắt tự bao giờ. Chị Cổ, vợ Hảng A Giàng và cũng là con dâu của ông bà Chua - Của cứ đứng nép góc cửa mà khóc ngất. Ông Hảng A Trừ, em trai ông Chua nhìn chị Cổ mà chua chát nói với chúng tôi: "Giờ chỉ còn bà mẹ già và 3 đứa con gái. Con Cổ lại đang chửa vượt mặt thế kia, lấy ai mà làm lụng chứ?". Nhìn ra quả đồi xa xa, ông Trừ gạt vội giọt nước mắt lăn dài trên má. Trong vụ sạt đất thảm khốc này, không đâu đau đớn như bản La Pán Tẩn. Cả bản có 9 người gặp nạn thì ở một góc bản nho nhỏ này, với 3 nóc nhà đã có tới 7 người chết. Tiếng gào khóc nức nở, tiếng máy cưa chói tai của những người thợ mộc xẻ gỗ đóng những tấm quan tài cho người nằm xuống như muốn xé lòng những người có mặt.

 

Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Giàng A Tông đau xót nói: "Huyện, xã cũng đã có chỉ đạo, nhắc nhở từng gia đình không được tham gia đi mót quặng. Thế mà chỉ vì ham kiếm tiền mà xảy ra đại tang thế này!". Nghe ông Tông nói, tôi lại nhớ đến Hảng A Lâm, SN 1990, người thoát chết trong gang tấc của vụ sạt núi kinh hoàng chúng tôi đã gặp lúc đi lên bản. Lâm kể mà gương mặt chưa hết bàng hoàng: "Hôm đó em bị mất cái máng đãi quặng nên quay lại tìm máng. Vừa đi được một đoạn, em nghe ầm ầm đằng sau". Nhìn qua lớp mây mù Lâm chỉ thấy cây cỏ rung chuyển. Định hình lại, sau khi hiểu chuyện gì xảy ra, Lâm lao vào và chỉ nhìn thấy 2 người nửa chìm, nửa nổi trên lớp bùn đất. Cố hết sức và cuối cùng Lâm cũng lôi được Hảng A Thắng và Hảng A Nắng, cùng ở bản La Pán Tẩn ra khỏi lớp đất đá nhầy nhụa rồi gọi điện báo tin cho mọi người.

 

 

Cùng chia sẻ nỗi đau.

 

 

Lời kể của hai nạn nhân sống sót

 

Trong vụ sạt lở núi tại La Pán Tẩn chỉ còn 2 nạn nhân sống sót đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. Hiện tại sức khỏe của Hảng A Nắng (21 tuổi) và Hảng A Thắng (19 tuổi), người bản La Pán Tẩn, đã qua cơn nguy kịch. Nhưng với họ, những giây phút vừa trải qua vô cùng kinh hoàng và khủng khiếp. Hảng A Nắng kể: "Hôm đó chúng em đã đi làm được 3 ngày, vì trời mưa quặng lộ ra nhiều, dễ móc, em đi làm từ 6h sáng đến khoảng 10h, đang đãi quặng thì thấy nhiều bùn và đá nhỏ rơi xuống, nghi bị sạt lở đất em đã bỏ lên trên ngồi. Nhưng khi anh Hảng A Sú nói: "Xuống làm tiếp đi không sao đâu", em lại xuống khe làm tiếp. Khoảng 20 phút sau thì nghe thấy tiếng ầm ầm rồi bùn đất ập xuống, em chạy được khoảng vài mét thì bị dòng bùn, đất đá chùm lên từ chân đến đầu. Nghe tiếng kêu cứu ở xung quanh nhưng mắt bị bùn lấp không thể mở ra được, rồi em ngất đi không biết gì nữa, lúc tỉnh dậy thì đã thấy mình đang ở bệnh viện". Hiện tại Nắng đã bắt đầu ăn được những thìa cháo do cô vợ mới cưới Sùng Thị Giàng bón và chuyện trò tương đối tỉnh táo. Nắng nói: "Em mới lấy vợ được 7 tháng, vợ đang có bầu rồi, bây giờ sợ lắm, không dám đi làm quặng nữa, nếu khỏe được thì chỉ đi làm ngô làm nương thôi. Vì tổng cộng đợt này nhà em có 4 người bị chết, bao gồm 2 anh trai, chị dâu và đứa cháu con anh trai".

 

Cũng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nghĩa Lộ, Hảng A Thắng kể lại: "Em đang đãi quặng thì thấy đất đá rơi ào ào lên đầu, vứt máng chạy ngay nhưng không kịp, bị dòng bùn đè lên người và không nhớ gì nữa. Đây mới là lần thứ hai em đi làm quặng cùng họ hàng, mỗi ngày làm cũng được khoảng 7kg quặng, bán được khoảng 200 nghìn đồng".

 

Hiện tại cả 2 nạn nhân đã thoát cơn nguy kịch, nhưng vẫn phải đề phòng các biến chứng như hoại tử da, teo cơ và sơ hóa gân.

 

Nỗ lực tìm kiếm và hỗ trợ

 

Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ vật lộn với những con dốc dựng đứng đầy bùn nhão, chúng tôi nhìn thấy một chiếc máy xúc cùng vài chiếc xe máy trên bãi đất trống. Những tưởng đã qua đoạn khổ ải nhất để tới được hiện trường, nhưng tấm biển có dòng chữ "Khu vực sạt lở cấm vào" khiến những đôi chân vốn nặng trĩu như muốn khụy xuống. Đường chính vào khai trường của khu mỏ đã bị đất đá bịt kín. Nhìn lên, đỉnh đá trắng trơ khốc vì sạt lở. Bên dưới, hẻm núi sâu hun hút đầy rẫy đá hộc và thân cây nát. Hỏi mấy người Mông đang lên nương thảo quả, chúng tôi biết là có một đường vòng để đi xuống khu mỏ, nơi tiếng máy xúc đang ì ì vọng lên. Sau hơn 1 giờ vật vã, lần bò qua những con dốc trơn trượt, dưới chân là vực sâu, mồ hôi vã như tắm, rốt cục chúng tôi cũng vào được hiện trường, tiếp cận với nỗi đau người dân La Pán Tẩn ngay tại nơi đã lấy đi sinh mạng những người cha, người chồng, người con của họ.

 

Chị Giàng Thị Dở (phải) ngồi đợi lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể người chồng là Lý A Xinh.

 

Ngồi bên con dốc ngổn ngang đá hộc, chị Thào Thị Sầu, một tay bế đứa con mới hơn một tháng tuổi, một tay gạt nước mắt khóc than cho người chồng xấu số Lý A Lềnh bị đất chôn vùi vẫn chưa tìm thấy xác. Giờ chị biết làm thế nào với một nách 5 đứa con, nhà thì nghèo, làm sao chăm sóc xuể. Tiếng khóc than của chị Sầu thỉnh thoảng bị đứt quãng bởi tiếng nấc và tiếng khóc của con gái và chị ruột của anh Lềnh. Một người em trai nữa của Lý A Lềnh là anh Lý A Sinh cũng bị đất đá vùi mất xác chưa tìm thấy. Gia đình này đã mất 2 người trong số 6 nạn nhân của bản Trống Páo Sang.

 

Sau khi nhận được hung tin, tỉnh Yên Bái đã cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long, làm Trưởng đoàn cùng các ngành liên quan lên ngay La Pán Tẩn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Ngay tối 7-9, đoàn đã họp khẩn cấp tại Ngã ba Kim và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Ông Long nhấn mạnh, các lực lượng cứu hộ tập trung lực lượng để tìm kiếm thi thể người bị mất tích và thăm hỏi động viên, giúp đỡ các gia đình nạn nhân và bảo đảm vệ sinh môi trường. Chiều 8-9, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường đã dẫn đoàn về kiểm tra tình hình tìm kiếm và cứu trợ cho các gia đình gặp nạn. Bí thư đã đến thăm hỏi động viên gia đình Hảng A Sú tại bản La Pán Tẩn. Tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân 4,5 triệu đồng/người chết và 1,5 triệu đồng/người bị thương. Riêng UBND huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ 100kg gạo cho các gia đình có người bị thiệt mạng.

 

Đến cuối ngày 8-9, sau những nỗ lực tìm kiếm của các lực lượng cứu hộ, thi thể của nạn nhân thứ 19 đã được tìm thấy, tuy nhiên mới xác minh được 16 người, số còn lại do bị dập nát nên vẫn chưa xác định được danh tính. Hiện còn một người mất tích vẫn chưa tìm thấy thi thể.