Một dự án khai khoáng có tổng giá trị đầu tư lên tới gần 500 triệu USD được triển khai trên diện tích hơn 670 ha trong thời gian 17 năm khai thác với gần 2.800 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó hơn 1.000 hộ thuộc diện phải di dời... Chỉ điểm qua vài con số đó thôi đủ cho thấy quy mô “khủng” của một dự mang tầm cỡ Quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy những phức tạp, khó khăn, thách thức ... mà Dự án phải đối mặt qua từng cung đoạn của tiến trình thực hiện. Vậy nhưng cho đến thời điểm này, nhiều vấn đề tưởng chừng như khó thực hiện nhất lại cán đích hoặc cơ bản đã hoàn thành trước kế hoạch. Chúng tôi chỉ có thể lột tả điều đó bằng hai chữ “thần kỳ”...
Tự tin vượt qua khó khăn
Năm 2008, cơn bão suy thoái kinh tế thế giới đã “cuốn trôi” không biết bao nhiêu doanh nghiệp, đặt nhiều đơn vị, xí nghiệp... trên bờ vực phá sản, giải thể... và Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo không phải là một ngoại lệ. Trong lúc khó khăn nhất, không ít kẻ xấu đã lợi dụng tình hình để chĩa mũi dùi vào “con thuyền Núi Pháo” bằng những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt nhằm làm giảm sút lòng tin không chỉ trong đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động mà cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Nhưng chính những thời điểm tưởng chừng như tuyệt vọng nhất thì con thuyền Núi Pháo lại đứng vững và tiếp tục thẳng tiến hứa hẹn một tương lai còn vững chắc, huy hoàng hơn. Điều đó đã khẳng định sự tự tin và tài tình của tập thể Ban lãnh đạo Công ty. Ngày18/6/2010 đã đánh dấu sự “hồi sinh” đầy ngoạn mục của Dự án Núi Pháo, từ Công ty Liên doang Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhaoVica ) chủ yếu vốn đầu tư nước ngoài đã chuyển sang với tên gọi mới Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining). Toàn bộ quyền lực đã được chuyển giao sang tay người Việt. Người Việt đã có đầy đủ sự tự tin về khả năng có thể làm chủ nguồn tài nguyên quý của đất nước để góp phần làm giàu cho Tổ quốc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên và các địa phương trong vùng bị ảnh của Dự án từ nguồn lợi nhuận mà Dự án Núi Pháo có được.
Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh, dù cho đến thời điểm này, Nuiphao Mining chưa đi vào khai thác sản phẩm, chưa có lợi nhuận mà vẫn còn đang ở trong giai đoạn xây dựng, đầu tư nhưng NuiPhao Mining không hề lơ là trong việc hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển kinh tế-xã hội; những lợi ích thiết thực mà Công ty đã mang lại cho các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng là không nhỏ thông qua việc thực hiện nghiêm túc các cam kết với cộng đồng. Theo ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc NuiPhao Mining: Cho đến thời điểm này, số tiền chi cho các hoạt động cộng đồng là hơn 4 tỷ đồng; chi phí bồi thường và tái định cư khoảng 1.200 tỷ đồng; hơn 550 lao động là người bị ảnh hưởng của dự án đã được tuyển dụng và nhiều vị trí khác nhau phù hợp với khả năng và trình độ chuyên môn hoặc và đang được đưa đi đào tạo nghề....
Tiếng nói người trong cuộc
Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, trước mắt chúng tôi là Khu tái định cư Nam Sông Công và Hùng Sơn 3 quy mô và hiện đại với đường nhựa trải áp phan phẳng lỳ. Hai bên đường là hệ thống điện chiếu sáng cao áp, nhà cửa san sát khang trang, sạch sẽ được xây dựng theo kiến trúc mới. Khu chợ, khu nghĩa trang, trạm y tế...được quy hoạch khoa học trong các khu tái định cư, đã và đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện, tạo cho bộ mặt nông thôn xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (một trong những địa phương bị ảnh hưởng của Dự án) một diện mạo mới. Những lớp học khang trang còn nồng mùi sơn, sân vận động, nhà văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ, đường bê tông... mới được xây dựng ở Tân Linh, Cát Nê, Hà Thượng, Hùng Sơn đều có sự hỗ trợ từ NuiPhao Mining.
Người lao động bị ảnh hưởng trong vùng dự án được tuyển dụng vào làm việc cho Công ty
Ông Đỗ Xuân Quế, Trưởng xóm Sơn Hà nói trong niềm phấn khởi: Trước kia, tôi ở xóm 1, xã Hà Thượng. Gia đình tôi đã phải bàn giao 12.000m2 đất sản xuất và nhà ở cho Dự án. Lúc đầu, tôi không khỏi hoang mang, lo lắng khi phải di chuyển đến Khu tái định cư Nam Sông Công. Nhưng khi lên đây ở, mọi lo lắng đã nhanh chóng tiêu tan. Các thành viên trong gia đình tôi đều thấy rất vui vẻ và thoải mái vì điều kiện nơi ở mới tốt hơn hẳn nơi ở cũ. Giờ không có đất đai sản xuất nông nghiệp nữa, mỗi thành viên đã chủ động lưạ chọn cho mình một công việc khác phù hợp với khả năng. Con cái chúng tôi cũng được NuiPhao Mining tạo điều kiện tìm kiếm cơ hội việc làm ở Dự án.
Đó không chỉ là ý kiến của ông Quế mà cũng là tâm sự chung của gần 150 hộ dân đang sinh sống trong Khu tái định cư Nam sông Công. Hầu hết họ đều thấy rất thoải mái với các điều kiện sống ở khu tái định cư bởi sự văn minh, thuận tiện; an ninh trật tự được đảm bảo... Ông Đỗ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn nhận xét: Qua quá trình hợp tác và làm việc với Dự án Núi Pháo, chúng tôi nhận thấy đây là một Dự án được triển khai rất bài bản và chuyên nghiệp. Các cam kết hầu như được thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm như trong việc đầu tư xây dựng trường học, làm đường bê tông, tạo cơ hội việc làm, xây dựng các mô hình chuyển đổi kinh tế, nghề nghiệp, các lĩnh vực về giới...
Ông Chu Văn Tuất, Bí thư Đảng ủy xã Hà Thượng cũng có những nhận định trùng khớp với nhận xét của ông Đỗ Đăng Khoa, ông cho biết thêm: Từ khi Dự án được thực thi trên địa bàn xã Hà Thượng (xã trọng điểm của Dự án) ít nhiều cũng đã gây lên sự xáo trộn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của đại bộ phận người dân trong xã, song bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, NuiPhao Mining đã đến gần được với người dân, nhờ đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực từ phía những người dân. Bộ mặt nông thôn Hà Thượng đã thay đổi cơ bản theo chiều hướng tích cực. Đơn cử như trong chuyển dịch kinh tế, nếu như truớc kia nông nghiệp chiếm tới 46% thì nay giảm còn 35%, công nghiệp-dịch vụ tăng từ 20% lên 35 %; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,6 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 18,6 triệu đồng/người/năm (hiện nay)...
Cảm nhận từ khai trường
Rời các khu tái định cư, chúng tôi đến các khu vực đang xây dựng nhà máy, bãi thải, khu vực chứa đuôi quặng... Sự sôi động, hối hả ở nơi đây truyền vào chúng tôi khí thế hừng hực của một ngày làm việc mới. Những quả đồi mới xẻ trơ màu đất đổ; những chiếc xe ben, xe tải ngược xuôi theo những “dải lụa” vắt ngang triền đồi; người công nhân trong trang phục bảo hộ nhiều màu (để phân biệt giữa các nhà thầu và công việc cụ thể) làm việc với một tinh thần say sưa và cẩn trọng... Khu vực nhà máy, những khối khung thép đang được lắp ghép tạo hình hài - điều đó như càng khẳng định tính khả thi của Dự án. Khu nhà ở cho công nhân khang trang, sạch đẹp, ngăn nắp đến bất ngờ - điều mà chúng tôi khó có thể cảm nhận được ở những dự án mà chúng tôi đã có dịp tác nghiệp. Không chỉ vậy, xung quanh còn trồng cây bóng mát, dặm cỏ, có bồn hoa, cây cảnh để mang lại chút thư giãn cho những người công nhân sau những giờ lao động mệt nhọc trên khai trường...
Ấn tượng hơn lại vẫn là những con số mà chúng tôi được biết về công tác an toàn và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công của Dự án. Nếu như ở Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2011, cả nước đã xảy ra gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm chết gần 600 người, gây thiệt hại về vật chất hơn 300 tỷ đồng thì điều đáng ngợi khen ở đây là NuiPhao Mining không góp con số nào trong các hàng số trên. Bên cạnh đó, các cuộc đánh giá của Ngân hàng Thế giới về tác động môi trường ở Dự án Núi Pháo đã được thực hiện vào tháng 11-2011 và tháng 3, tháng 7 năm 2012 và sẽ tiếp tục được thực hiện 3 lần/năm cho đến khi giai đoạn xây dựng hoàn tất. Tính đến 31-12-2011, chi phí cho xây dựng để bảo vệ môi trường dự tính khoảng 11,4 triệu USD. Điều đó cho thấy yếu tố con người và bảo vệ môi trường sống của con người luôn được NuiPhao Mining đề cao và đặt lên hàng đầu.
Mong đợi sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền các cấp.
Những điều mắt thấy tai nghe, chúng tôi tin là không chỉ có những người làm báo mới cảm nhận được đầy đủ sự chuyên nghiệp, khoa học, bàn bản và hùng mạnh của Dự án Núi Pháo mà bất kỳ ai một lần tới nơi này sẽ ít nhiều có chung cảm nhận như chúng tôi. Bởi những con người nơi đây không chỉ nói mà họ đã và đang nỗ lực làm khá tốt những điều cam kết với cấp ủy, chính quyền và nhân các địa phương vùng Dự án, phấn đấu đưa NuiPhao Mining trở thành một hình mẫu tiêu biểu trong công tác khai thác và chế biến khoáng sản của Việt Nam và quốc tế.
Tuy nhiên, trong lúc các hoạt động của Dự án đang được triển khai khẩn trương để đưa nhà máy đi vào hoạt động vào tháng 3 năm 2013, thì một số hộ dân, như hộ ông Trần Văn Minh, Nguyễn Quang Trung, Trần Trọng Oanh, Đào Hồng Chương, Nguyễn Đức Quang… ở xóm 2, xã Hà Thượng lại không chịu bàn giao mặt bằng cho Dự án dù đã nhận đầy đủ tiền bồi thường GPMB, tiền thưởng theo quy định, đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ thi công của Dự án. NuiPhao Mining mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và sự hợp tác hơn nữa của người dân địa phương để nhà máy đi vào hoạt động sản xuất theo đúng kế hoạch, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.