Thấy gì qua những con số?

08:09, 17/09/2012

Mới đây, Thái Nguyên có công bố kết quả 2 năm (từ tháng 5-2010 đến tháng 5-2012) thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn cho cán bộ, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể trong tỉnh. Tuy nhiên, qua so sánh, phân tích số liệu cụ thể, đã có nhiều ý kiến thắc mắc nảy sinh xung quanh vấn đề này.

Các ý kiến đều cho rằng, hai năm qua sự chênh lệch giữa 6 chỉ số hoạt động cơ bản trong nội bộ các đoàn thể gồm: Học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục; tập huấn nghiệp vụ; tập huấn tín dụng; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT); hội thi, là khá cao. Dường như tất cả các đoàn thể chỉ tập trung nhiều đến các hoạt động học tập chủ trương, chính sách và tuyên truyền, giáo dục còn các hoạt động khác lại ít được quan tâm. Cụ thể, trong 2 năm qua, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã mở được trên 4.400 lớp học chỉ thị, nghị quyết, trên 3.000 buổi tuyên truyền giáo dục, nhưng lại chỉ mở được 2 lớp tập huấn tín dụng và mấy chục lớp tập huấn nghiệp vụ. Tương tự, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn Thanh niên và Liên đoàn lao động tỉnh cũng chỉ tập trung vào nhiệm vụ học tập các chỉ thị, nghị quyết, tuyên truyền giáo dục mà ít có các hoạt động tập huấn tín dụng, nghiệp vụ…

 

 

Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này với đại diện một số tổ chức đoàn thể thì được giải thích: Hoạt động học tập, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của các đoàn thể nên đương nhiên phải được quan tâm thực hiện đầu tiên, sau đó mới đến các hoạt động khác. Đại diện Hội Nông dân tỉnh, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội cho biết: Tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ số 1 của Hội. Các cấp Hội ở cơ sở hàng tháng phải có trách nhiệm báo cáo cập nhật về nội dung này đến Tỉnh hội. Tiếp đó mới đến các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tìm hiểu pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao KHKT và tập huấn tín dụng.

 

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay cho thấy, người dân nông thôn đang rất khó khăn về vốn, KHKT cũng như những định hướng cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình. Nhưng, việc tiếp cận với các nguồn vốn, tiến bộ kỹ thuật hay cách thức làm kinh tế của họ còn rất nhiều hạn chế. Tỷ lệ người dân nông thôn được phổ biến kiến thức về tín dụng, cập nhật những chính sách thay đổi về vốn vay… chưa được quan tâm triệt để.

 

Được biết, lực lượng lao động nòng cốt tại nông thôn hiện nay vẫn chủ yếu là các hội viên, đoàn viên của Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, nên việc họ có được tiếp cận thường xuyên hay ít được tiếp cận với các tiến bộ KHKT hoặc nguồn vốn vay sản xuất nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào các tổ chức, đoàn thể nói trên. Theo kết quả công bố của tỉnh mới đây, trong 2 năm qua các đoàn thể trong tỉnh chỉ mở được 13 lớp tập huấn tín dụng với gần 700 lượt người được tham gia.

 

Trong khi đó, chỉ riêng Hội Nông dân tỉnh đã có tới trên 2.600 Chi hội với hàng trăm nghìn hội viên. 2 năm qua Hội này cũng chỉ mở được 2 lớp tập huấn tín dụng cho cán bộ Hội cấp tỉnh và cấp huyện. Hội có phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh nhưng số lượng lớp tập huấn tín dụng hàng năm là rất ít. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng thừa nhận điều đó.

 

Qua đây có thể thấy sự chệnh lệch về mật độ giữa các nội dung tuyên truyền, giáo dục, tập huấn của các đoàn thể thời gian qua là khá lớn. Chúng ta nhận thức rõ một điều rằng, việc quan tâm tổ chức tốt các hoạt động học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho các hội viên, đoàn viên của các đoàn thể là một trong những kết quả quan trọng, rất đáng được biểu dương, bởi có nắm bắt được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thì làm mọi việc mới đúng, mới trúng và hiệu quả.

 

Tuy nhiên, phải khẳng định các hoạt động tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao KHKT, tập huấn tín dụng cũng là những hoạt động rất thiết thực đối với hội viên, đoàn viên và người dân, nhất là trong giai đoạn cả nước tập trung xây dựng nông thôn mới hiện nay. Thiết nghĩ, đây là vấn đề khá quan trọng cần được các tổ chức đoàn thể của tỉnh quan tâm xem xét, bàn thảo và có thể có những điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp, góp phần giúp các hội viên, đoàn viên có thêm nhiều kiến thức thực tế để vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu cho gia đình và cho quê hương