Thông tin văn bản, chính sách nổi bật trong tuần

16:44, 16/09/2012

Định hướng một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013; miễn thủy lợi phí cho hộ nghèo; khoảng 350.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mới giai đoạn 2011-2015; điều tra, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin chống Đảng và Nhà nước;... là những thông tin văn bản, chính sách nổi bật tuần qua. 

Định hướng một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013

 

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là: Tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại; bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng; tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

 

Chính phủ định hướng một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2013 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10 - 12%; tỷ lệ nhập siêu ở mức 8 - 10% so với kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP 4,8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 34,5% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng không quá 7%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; phấn đấu giảm 1,5 - 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo đối với các huyện nghèo so với cuối năm 2012;...

 

Miễn thủy lợi phí cho hộ nghèo

 

Theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP, thay thế Nghị định 115/2008/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.

 

Diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm.

 

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo.

 

Đồng thời, miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng gồm:  1- Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà  nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất; 2- Hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh (hoặc các công ty nông nghiệp chuyển đổi từ nông trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; 3- Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; 4- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.

 

Điều tra, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin chống Đảng và Nhà nước

 

Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước.

 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước ta, nhất là các vấn đề mà dư luận quan tâm; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm việc thông tin, tuyên truyền không đúng sự thật. Khẩn trương trình Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

 

Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước.

 

Cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu một số loại hàng hóa

 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, cần phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm.

 

Thủ tướng yêu cầu trong tháng 9/2012, Bộ Công Thương phải quy định và ban hành Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đối với các loại chất thải nguy hại như ắc quy chì, vỉ mạch điện tử; nhựa phế liệu, phế thải; thiết bị làm lạnh sử dụng CFC; hóa chất là tiền chất thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu các mặt hàng trên có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành Chỉ thị này.

 

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phải ban hành Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan như các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng và thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc và phủ tạng, phụ phẩm gia cầm. Việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan các mặt hàng này có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2012.

 

Đối với những lô hàng thuộc Danh mục tạm ngừng trên và hàng hóa tạm nhập tái xuất theo Giấy phép của Bộ Công Thương không thuộc Danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất về đến cảng Việt Nam trước ngày 30/9/2012 được tiếp tục tạm nhập tái xuất theo các quy định như trước khi Chỉ thị này được ban hành.

 

Còn Danh mục hàng thực phẩm đông lạnh khác (thịt gia súc, thị gia cầm, thủy hải sản các loại) kinh doanh tạm nhập tái xuất phải thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương.

 

350.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới giai đoạn 2011-2015

 

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó mục tiêu đưa số doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt 350.000 doanh nghiệp.

 

Mục tiêu đặt ra đến thời điểm ngày 31/12/2015, cả nước có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

 

Cũng nằm trong mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP; 30% tổng thu ngân sách nhà nước.

 

Trong giai đoạn 2011-2015, doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo thêm khoảng 3,5 - 4 triệu chỗ làm việc mới.

 

Tái cơ cấu PVN tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp II, III và IV, thu gọn đầu mối để thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

 

Đồng thời, hoàn chỉnh Đề án tái cơ cấu Tập đoàn, trong đó cần xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn.

 

Việc thoái vốn cần thực hiện bảo đảm hiệu quả thu hồi vốn cao nhất và có phương án cụ thể đối với từng doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2012 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Đề án cũng phải báo cáo rõ tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; nhất là những khó khăn, tồn tại và đưa ra giải pháp giải quyết đối với những đơn vị khó khăn, yếu kém.

 

Việt Nam tham dự Hội nghị Thường niên IMF/WB 2012

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cử Đoàn Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế/Ngân hàng Thế giới (IMF/WB 2012).

 

Hội nghị này được tổ chức từ ngày 8-14/10/2012 tại Tokyo, Nhật Bản.

 

Từ 1/10, không tiếp nhận hồ sơ trình Chính phủ thiếu file điện tử

 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/10/2012, Văn phòng Chính phủ không tiếp nhận và xử lý những hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết công việc nhưng không đính kèm file điện tử.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước và các Tổng công ty 91 thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8665/VPCP-HC

 

Làm rõ nguyên nhân sạt lở đất ở Yên Bái

 

Thủ tướng Chính phủ có Công điện yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái khẩn trương xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ sạt lở đất đá thuộc khu mỏ chì kẽm huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định.

 

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích và bị thương trong vụ sạt lở vừa qua.

 

Phải thường xuyên kiểm tra an toàn thủy điện Sông Tranh 2

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình hình an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2.

 

Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp các số liệu từ các thiết bị quan trắc đặt tại công trình về động đất xảy ra tại đập thủy điện Sông Tranh 2 cho UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My và các cơ quan có liên quan của tỉnh để theo dõi, chỉ đạo và thông tin chính xác, kịp thời đến người dân trong khu vực.

 

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu các nguyên nhân gây rung chấn động đất theo chỉ đạo tại công văn số 4127/VPCP-KTN ngày 8/6/2012.

 

Viện Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu cập nhật, cung cấp thông tin từ trạm quan trắc tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế và các trạm quan trắc khác có liên quan cho UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan có liên quan để có thông tin đầy đủ, khách quan trong việc đánh giá tình hình động đất tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.