Vài trao đổi về làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí mới

09:11, 10/09/2012

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng dành khá nhiều thời lượng để nói về cái khó trong thực hiện tiêu chí đường giao thông (nằm trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới). Các nguyên do được đưa ra, nào là thiếu nguồn vốn đầu tư, đối ứng của nhân dân hạn chế, nào là quy hoạch, mở rộng đường theo tiêu chí mới sẽ khó cho công tác giải phóng mặt bằng… dẫn đến tình trạng nhiều địa phương lúng túng không biết phải xoay xở ra sao.

Khi trao đổi với lãnh đạo một số xã thực hiện điểm về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mới thấy hết được những băn khoăn, trăn trở của họ. Tiếp nhận Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã nào cũng háo hức, phấn khởi bởi đây là cơ hội để địa phương cải thiện bộ mặt hạ tầng nông thôn, kích cầu phát triển, nhưng thực tế khi vào thực hiện cụ thể mới thấy nhiều cái khó, đòi hỏi phải linh hoạt, năng động mới có thể đảm bảo các tiêu chí đề ra theo đúng tiến độ, đúng quy định… Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì có lẽ tiêu chí nào cũng có cái khó riêng, nhưng cái mà các địa phương đang thực sự lo ngại lại là vấn đề giao thông. Theo quy định về xây dựng nông thôn mới thì bề mặt nền đường giao thông tuyến xã phải rộng từ 4 đến 5m (bao gồm cả phần lề đường, rãnh thoát nước), trong đó riêng mặt đường là 2,5 đến 3,5m. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, do thiếu kinh phí, khó khăn về giải phóng mặt bằng, nan giải về đối ứng mà nhiều tuyến đường xã chỉ rộng từ 2 đến 3m, nhiều tuyến không có rãnh thoát nước hoặc lề đường. Không ít cán bộ xã bày tỏ quan điểm rằng nếu làm đúng theo tiêu chí mới thì chỉ bê tông hóa được một phần nhỏ của các tuyến đường.

 

Chúng tôi đem những băn khăn, trăn trở này trao đổi với thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh thì nhận được nhiều ý kiến trả lời, trong đó có những ý kiến mang tính gợi mở cao, đáng quan tâm. Theo Ban Chỉ đạo thì việc kiên cố đường giao thông nông thôn hiện nay chắc chắn phải đảm bảo đúng các tiêu chí đã đề ra. Tuy nhiên, có thể linh hoạt một số việc cụ thể như: Về việc thảm đường bê tông, đối với những xã khó khăn, hạn chế nguồn lực đối ứng thì trước mắt (gọi tạm là giai đoạn 1) có thể không nhất thiết phải đảm bảo đúng diện tích bề rộng mặt đường theo quy định để có điều kiện hoàn thành toàn tuyến, tránh được trường hợp “xôi đỗ”, dở dang giữa chừng.

 

Tất nhiên, về quy hoạch nền đường, rãnh thoát nước, lề đường vẫn phải đảm bảo theo tiêu chí mới. Ví dụ, nền đường thảm bê tông theo quy định là 3,5m nhưng giai đoạn 1 có thể làm 2,5m để trước mắt có thể dễ dàng lưu thông, đi lại, phần còn lại sẽ làm tiếp vào giai đoạn 2 (Dĩ nhiên cả hai giai đoạn đều phải hoàn thành đúng kế hoạch đề ra là xong trước năm 2020). Về giải phóng mặt bằng, đối ứng thi công, chính quyền địa phương phải tích cực vận động người dân hiến đất, ủng hộ ngày công, vật liệu theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tranh thủ tối đa sự đồng thuận của bà con thì mới có thể sớm hoàn thành tiêu chí này. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có lợi ích sát sườn đối với mỗi gia đình, nên ngoài việc quan tâm hưởng ứng, ủng hộ, người dân còn phải xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ cùng thực hiện.

 

Về kinh phí, do nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, mỗi xã điểm xây dựng nông thôn mới (cả tỉnh có 35 xã điểm) sẽ được cấp 2 tỷ đồng, các xã còn lại là 600 triệu đồng/xã, trong đó môt phần rất nhỏ dành cho giao thông, nên nguồn lực chủ yếu vẫn phải trông vào sự linh hoạt, năng động của chính quyền sở tại. Gần đây, một thông tin vui đối với các xã xây dựng nông thôn mới là Bộ Giao thông - Vận tải đã có chủ trương trình Chính phủ cho phép phát hành Trái phiếu xi măng. Theo đó, mỗi năm, mỗi tỉnh sẽ có kinh phí từ nguồn trái phiếu này để làm khoảng 300km đến 500km đường giao thông nông thôn. Trước đó, tỉnh ta cũng đã tạm ứng 40 nghìn tấn xi măng để cấp cho các xã làm đường bê tông. Sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng, song việc nâng cao ý thức cộng đồng, tranh thủ sức dân lại càng quan trọng hơn. Được biết, nhiều địa phương trong tỉnh rất sẵn nguồn vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá…). Nếu được, chính quyền cơ sở có thể đề xuất với tỉnh, huyện cho phép xây dựng các phương án để có thể tổ chức khai thác nguồn vật liệu tại chỗ nhằm đối ứng với Nhà nước làm đường giao thông.

 

Trên đây là một vài ý kiến trao đổi với mong muốn biến cái khó, cái trăn trở của các cấp chính quyền cơ sở trong thực hiện tiêu chí mới về xây dựng đường giao thông nông thôn, thành cái dễ, cái có thể hoàn thành theo tiến độ đã đề ra.