Vững bền ý chí

09:34, 24/09/2012

Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, ý chí vượt khó của người lính lại được các cựu chiến binh (CCB) xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) khẳng định một lần nữa trên mặt trận phát triển kinh tế.

Đồng chí Mông Văn Chính, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Hội hiện có 147 hội viên (trong đó có 18 thương, bệnh binh, bị nhiễm chất độc da cam), sinh hoạt ở 12 chi hội. Trong những năm qua, Hội luôn tích cực trong mọi hoạt động, phong trào của địa phương. Hiện nay, Hội có 26 đảng viên và gần 30 đồng chí tham gia vào cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, mặt trận Tổ quốc, bí thư chi bộ, trưởng xóm. Nhưng nổi bật nhất của Hội CCB xã Văn Lăng là phong trào phát triển kinh tế.

 

Qua tìm hiểu, chúng mới mới cảm nhận được ý chí phấn đấu của những CCB vùng sơn cước này. Nhiều người mặc dù có điều kiện gia đình rất khó khăn, có người bản thân là thương binh, đi lại còn khó khăn vậy mà họ vẫn vượt lên chính mình để vươn lên trong cuộc sống. Trong số đó, người để lại ấn tượng sâu sắc với chúng tôi đó là thương binh Dương Văn Liêm, ở chi hội Khe Quân. Năm 1966, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, ông Liêm đã xung phong vào chiến trường B1 (T.P Đà Nẵng). Năm sau, Trong một trận chống càn của Mỹ Ngụy, ông bị trúng đạn vào đùi trái. Vết thương bị nhiễm trùng buộc phải cắt đùi. Từ đó, một chân ông phải thay bằng chân gỗ. Sau đó, ông được đưa ra Bắc điều dưỡng và được bố trí làm công nhân cho Công ty may của Nhà nước. Tuy nhiên, do sức khỏe suy giảm và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông phải nghỉ mất sức. Nhìn người thương binh ấy, ai cũng nghĩ, ông khó có thể duy trì cuộc sống gia đình. Thế nhưng, ông đã vươn lên làm giàu với nghị lực phi thường.

 

Ông Liêm nhớ lại: Năm 1991, xóm Khe Quân và các xóm lân cận chưa ai có máy xay sát thì tôi đã “liều” vay tiền khắp nơi để mua về làm dịch vụ phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Sau đó, tôi tiếp tục chăn nuôi gà, lợn, nấu rượu, làm đậu phụ… Những lúc khỏe, tôi nuôi đến vài trăm con gà, vài chục con lợn, thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Tôi đang tiếp tục, mở rộng chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Nhiều lúc bị vết thương hành hạ nhưng tôi luôn nghĩ rằng, là người lính thì không được lùi bước. Ngày trước bị thương trong chiến tranh, cắt chân đau đớn vậy còn chưa làm tôi nản lòng nữa là trong cuộc sống hòa bình như hiện nay.

 

Còn đối với CCB Đỗ Quang Hòa (chi hội Tân Lập 1), tuy không phải là thương binh như CCB Dương Văn Liêm nhưng bước khởi đầu của ông trong cuộc mưu sinh cũng đầy gian nan. Sau gần 9 năm phục vụ trong quân đội (từ năm 1973 đến năm 1981), ông trở về địa phương, lập nghiệp với muôn vàn khó khăn, thử thách bởi gia đình vốn nghèo lại đông anh em. - “Sau khi lập gia đình, bao nhiêu đất đai, ruộng vườn của bố mẹ tôi đều nhường lại cho các em. Còn hai vợ chồng tôi dựng một túp lều tranh ra ở riêng, tự mình khai phá đất hoang để làm ruộng, trồng cây, tìm cách lấy ngắn nuôi dài. Liên tục trong suốt 5 năm ròng, tôi khai phá được hơn 1 mẫu ruộng, trên 1ha đất vườn để trồng chè và nhận trông 3ha đất đồi rồi phát quang để trồng cây ăn quả. Những năm đầu, tôi loay hoay không biết tìm giống cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao, tôi thử trồng vải rồi đến hồng nhưng đều thất bại, cuối cùng tôi chuyển sang trồng bạch đàn và keo. Còn gần 1ha đất vườn trước trồng chè trung du thì nay, tôi đã chuyển phần lớn sang trồng chè cành cho năng suất cao. Tính ra mỗi lứa cũng thu được gần 2 tạ chè búp khô. Bên cạnh đó, tôi xây thêm chuồng trại chăn nuôi lợn, gà (có lúc lên đến trên 100 con lợn, vài trăm con gà thịt). Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông thu được trên 100 triệu đồng (trừ mọi chi phí).

 

Theo đồng chí Mông Văn Chính, số hội viên vượt khó làm giàu ở Văn Lăng còn rất nhiều như các hội viên: Lưu Tiến Sinh (chi hội Vân Khánh) từ năm 2009 trở về trước là hộ nghèo và cận nghèo, nhưng nay đã xây dựng được trang trại nuôi lợn, trồng chè, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng; Trương Công Hiền (chi hội Khe Quân) kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm cũng thu lãi trên 80 triệu đồng… Hiện nay, có đến trên 100 hội viên có điều kiện kinh tế khá trở lên.

 

Được biết, căn cứ vào thực tế của từng xóm, các chi hội gây quỹ để cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Hiện nay, nguồn quỹ của Hội đạt trung bình 400 nghìn đồng/hội viên. Một số chi hội đã đạt trên 600 nghìn đồng/hội viên, tiêu biểu như: Tân Lập 1, Tân Lập 2, Tân Sơn… Những năm qua, đã có hàng trăm lượt hội viên được vay từ 2 đến 5 triệu/lần vay. Nguồn vốn này đã giúp họ giải quyết khó khăn bước đầu cho trong việc mua cây con, giống, xây dựng chuồng trại. Từ đó, nhiều hội viên đã tìm được cơ hội thoát nghèo. Nếu như năm 2011, Hội CCB xã còn 29 hộ CCB nghèo thì đến nay, con số này chỉ còn 18 hộ. Mỗi khi có hội viên làm nhà mới hoặc được Nhà nước hỗ trợ làm nhà thì các CCB đều đến giúp đỡ ngày công lao động. Có thể nói, điều đáng trân trọng đối với những CCB ở đây là họ biết “nhìn nhau mà làm” nên đã tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi ngay trong nội bộ. Và trong họ luôn vững ý chí, niềm tin của người lính cụ Hồ với Đảng, Nhà nước dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.