Cách nào “gỡ nút” cho tình trạng ô nhiễm Môi trường nông thôn?

08:42, 29/10/2012

Môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm là điều hiện hữu. Làm thế nàođể giảm thiểu ô nhiễm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành liên quan và bản thân mỗi người dân nông thôn…

Kỳ III: Bảo vệ môi trường - Bắt đầu từ đâu?


Phát triển làng nghề đi đôi với xử lý ô nhiễm môi trường

 

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Vấn đề bảo vệ môi trường ở các làng nghề phải được ưu tiên hàng đầu, mà cụ thể là các cấp, ngành chức năng cần hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn; hỗ trợ đưa các công nghệ mới vào sản xuất, từng bước thay thế công nghệ lạc hậu để tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm ngành, nghề nông thôn. Đặc biệt, những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường cần phải được đưa vào các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để dễ dàng kiểm soát nguồn ô nhiễm, có hướng xử lý kịp thời.

 

Còn anh Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ) thì mong muốn tỉnh tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề nông thôn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống; tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn phát triển các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh…

 

Bên cạnh đó, trong quá trình quy hoạch phát triển làng nghề, các cơ quan chức năng cũng cần tính đến sự đồng bộ từ mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước đến hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải. Chị Nguyễn Thị Hường, một người dân ở làng nghề bánh chưng bờ đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương) chia sẻ: Không ai muốn sống trong môi trường bị ô nhiễm nên chủ doanh nghiệp hoặc mỗi người dân làm nghề phải chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp, tiêu chuẩn về môi trường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

 

Xử lý chất thải từ cơ sở

 

Bà Trần Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng để quản lý chất thải rắn và nước thải sinh hoạt ở vùng nông thôn có hiệu quả, trước hết phải tăng cường năng lực quản lý, xử lý chất thải rắn theo mô hình từ các thôn, xóm đến xã, huyện; khuyến khích chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở các xã, thôn đẩy mạnh công tác vận động người dân đóng góp kinh phí để tự tổ chức thu gom rác thải; động viên các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lập các công ty, hợp tác xã thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn. Cùng với đó, xây dựng hệ thống thu gom, phân loại và vận chuyển rác hợp lý cũng như triển khai quy hoạch đồng bộ hệ thống thu gom, trung chuyển và các khu xử lý chất thải rắn cấp huyện; chấm dứt việc đổ rác lộ thiên ở các bãi rác; thiết kế, xây dựng các khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh; vận động, tuyên truyền giáo dục người dân từ bỏ thói quen xả rác ra nơi công cộng, đổ rác vào sông, suối, ao, hồ...

 

Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, đối với nước thải sinh hoạt, các cấp, ngành chức năng cần quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước ở các thị trấn theo hướng tách một phần, tiến tới tách toàn bộ nước thải khỏi nước mưa; xây dựng hệ thống các trạm xử lý nước thải tập trung với quy mô vừa cho thị trấn cấp huyện; cải tạo, xây mới hệ thống thoát nước ở các chợ, thị trấn, khu dân cư tập trung vùng nông thôn, đảm bảo nước thải sinh hoạt, nước thải từ chợ, chuồng chăn nuôi được thu gom, không chảy tràn ra đường xá và khu dân cư.

 

Chăn nuôi là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Do đó, để khắc phục, đối với các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình từ 50 con lợn, 1.000 con gia cầm và 20 con trâu, bò trở lên, người dân phải lập chuồng trại cách xa khu dân cư, khu thương mại trên 300m nhằm hạn chế phát tán ô nhiễm mùi và phát tán dịch bệnh. Yêu cầu các trang trại áp dụng biện pháp xử lý chất thải đạt yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Chăn nuôi quy mô hộ gia đình có thể lập chuồng, trại tại khu dân cư nhưng phải sử dụng phế phẩm sinh học để khử mùi, đầu tư xây dựng các hầm bioga ở các hộ có trên 10 đầu lợn; khuyến khích xây dựng các ao, hồ sinh thái vừa có chức năng điều tiết vi khí hậu, tạo cảnh quan, phát triển thủy sản, vừa làm nơi tiếp nhận và xử lý nước thải chăn nuôi. Ngành chức năng cũng nên quản lý thí điểm một số vùng chăn nuôi bò, lợn tập trung nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô trung bình, lớn để có điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn; di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm nằm trong vùng quy hoạch khu đô thị, dân cư, công nghiệp… ra vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Muốn bảo vệ môi trường nông thôn, một việc chúng ta cũng cần quan tâm là khắc phục ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật, cụ thể là lập các hố chứa tạm thời để thu gom chai, lọ, túi ni lon... đựng hóa chất tại mỗi cánh đồng, xử lý hợp vệ sinh; tăng cường tập huấn kỹ thuật cho người dân về cách sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; học tập, áp dụng thí điểm biện pháp sản xuất nông nghiệp sạch, phương pháp canh tác “nông nghiệp hữu cơ”…

 

Rõ ràng, vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn rất cần sự chung tay của các cấp, ngành chức năng cũng như từng người dân ở các địa phương. Bởi khi người dân tự nâng cao ý thức trong vấn đề này thì sẽ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sống của chính mình.