Số tiền đó được dùng để mời gia đình bác sĩ đi du lịch và được tính vào chi phí thuốc và vaccine mà người bệnh phải chịu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề này khi nói về việc giá thuốc ngoại quá cao nhưng vẫn được nhiều bác sĩ nhiệt tình kê đơn cho bệnh nhân.
Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, cần được ổn định giá, nhất là trong bối cảnh viện phí tăng và nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Thế nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá thuốc luôn ở mức cao và không ngừng biến động. Riêng 2 tháng qua, thuốc chữa bệnh là một trong 2 nhóm hàng tăng giá mạnh nhất, có loại thuốc tăng tới 40%. Trong khi đó, dù chất lượng tương đương nhưng thuốc nội với giá thành rẻ hơn luôn bị lép vế trước thuốc ngoại giá cao và do cơ chế đấu thấu chưa hợp lý nên giá thuốc ở mỗi bệnh viện một kiểu.
Theo Bộ Y tế, chất lượng thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước ngày càng cao, hiện đã đáp ứng đầy đủ 29 nhóm tác dụng dược lý theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhiều loại thuốc nội có chất lượng tương đương nhưng giá thành lại rẻ hơn so với thuốc cùng loại nhập khẩu. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng thuốc nội lại đang giảm rõ rệt. Khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh tại hơn 1.000 bệnh viện trong cả nước cho thấy, thuốc nội chỉ chiếm hơn 40% lượng thuốc dùng trong bệnh viện công lập và càng lên tuyến trên càng ít sử dụng thuốc nội, nhất là tại các bệnh viện tuyến Trung ương, thuốc nội chỉ chiếm hơn 10% lượng thuốc tiêu thụ hàng ngày.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: “Các hãng dược phẩm đa quốc gia với lợi thế về thương hiệu, công nghệ, hệ thống phân phối, trình độ quản lý, tiềm lực tài chính mạnh, chính sách maketing tốt ngày càng có tác động trực tiếp đến đội ngũ thầy thuốc sử dụng thuốc ngoại. Và người tiêu dùng thuốc của nước ta cũng còn tâm lý sính dùng thuốc ngoại".
Nguyên nhân căn bản của việc thuốc nội bị lép vế là nhiều bác sĩ thích kê đơn thuốc ngoại để được hưởng phần hoa hồng cao của các hãng thuốc nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các công ty dược nước ngoài còn sẵn sàng bỏ kinh phí lên đến hàng nghìn đô la Mỹ để mời các bác sĩ, thậm chí là cả gia đình họ đi thăm quan du lịch dưới danh nghĩa dự hội thảo quốc tế.
“Các doanh nghiệp dược trong nước với chi phí hoa hồng chỉ có 10% thì đúng là khó tiếp cận, còn các doanh nghiệp nước ngoài thì tổ chức cho bác sỹ đi hội thảo nước ngoài, tham quan du lịch hết chỗ nọ chỗ kia. Mỗi chuyến đi đó tốn biết bao nhiêu tiền, tiền đấy đều tính vào chi phí thuốc và vacxin mà người bệnh phải chịu. Bác sỹ đi như thế thì làm sao mà không yêu thuốc của người ta được”- Bà Kim Tiến nói.
Theo ông Ông Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Stada Việt Nam, việc quản lý thuốc đang có nhiều bất cập nên dẫn đến một nghịch lý là mặc dù nhiều loại thuốc Việt Nam đã sản xuất thành công nhưng loại thuốc đó vẫn được nhập khẩu và lại có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Ông Dũng cho rằng: hiện nay, thuốc ngoại vào Việt Nam quá dễ dàng; các doanh nghiệp chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm của nước sở tại; kê khai giá CIF (gồm giá xuất xưởng và chi phí vận chuyển), rồi nộp một khoản phí tương đương mức đóng của doanh nghiệp dược Việt Nam là xong. Trên thực tế, doanh nghiệp nước ngoài luôn kê khai giá thuốc ở mức cao nhưng cơ quan chức năng của Việt Nam chưa kiểm soát được. Trong khi đó, việc quản lý giá thuốc nội rất chặt chẽ và kinh phí cho việc tuyên truyền, quảng cáo cũng bị khống chế ở mức 10% doanh thu (thấp hơn 3 lần so với thuốc ngoại).
"Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các hãng dược Việt Nam hiện nay lại là các công ty của các nước Châu Á như: Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Hàn Quốc. Những công ty đó sản xuất cùng một công nghệ, cùng một chất lượng như doanh nghiệp nước mình, thậm chí trong nhiều trường hợp có những công ty nước ngoài sản xuất thuốc chất lượng thấp hơn nước ta nhưng họ có cái mác thuốc ngoại". -Ông Dũng nói.
Hiện, tiền thuốc chiếm tới 60% chi phí bảo hiểm y tế; do vậy việc bỏ qua thuốc nội và sử dụng nhiều loại thuốc ngoại trong trường hợp không cần thiết sẽ tạo thêm gánh nặng cho bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế. Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến giá thuốc luôn ở mức cao, đó là việc đấu thầu cung cấp thuốc vào các bệnh viện còn nhiều bất cập nên mỗi bệnh viện một giá thuốc./.