Con đường dẫn vào 2 xóm Bún 1 và Bún 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) dặt một màu đen kịt của bụi than và lô nhô sỏi đá. Cứ ngỡ những vỉa "vàng đen" nằm dưới lòng đất nơi này sẽ đem đến cho người dân ở đây sự sung túc, nhưng thực tế lại có vẻ ngược lại.
Những cam kết chưa được thực hiện…
Dự án khai thác mỏ than Làng Bún được cấp phép cho Công ty Cổ phần Gang thép Gia Sàng từ năm 2010, quy mô gần 6 ha thuộc 2 xóm Bún 1 và Bún 2, xã Phấn Mễ. Tổng cộng có 11 gia đình nằm vùng phải di dời vì mất toàn bộ nhà cửa và 12 hộ giáp ranh bị mất đất sản xuất. Mọi thủ tục từ phổ biến chủ trương, kế hoạch đền bù và các phương án đảm bảo đời sống cho người dân đã được phía Công ty và địa phương thảo luận và ghi nhớ trong bản cam kết tháng 12/2010. Theo đó, phía Công ty phải đảm bảo nước sản xuất và thường xuyên tu sửa đường giao thông cho người dân; xây cho mỗi hộ bị ảnh hưởng một bể chứa nước sạch, dung tích từ 15 tới 20m3; lắp đặt đường ống riêng để tiêu nước trong quá trình khai thác; đảm bảo không để ô nhiễm môi trường…Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, nhiều nội dụng trong cam kết này chưa được Công ty thực hiện đầy đủ.
Theo báo cáo của UBND xã Phấn Mễ, tính đến tháng 9/2012, Công ty Cổ phần Gang thép Gia Sàng đã hoàn thành việc đến giải phóng mặt bằng khu vực mỏ than Phấn Mễ. Tổng số tiền đền bù (chia làm 2 đợt) cho các hộ dân khoảng 16 tỷ đồng. Trước đó, Công ty đã tổ chức khai mỏ vào tháng 8/2011. Tuy nhiên, Dự án chỉ tiến hành khai mỏ được trong khoảng gần 3 tháng thì dừng, việc khai thác lại vào tháng 9/2012 cũng chỉ được khoảng 20 ngày. Lý do là cả 2 đợt khoan giếng lấy than đều làm khiến khoảng 17 hộ dân trong vùng dự dự án và khu vực liền kề bị mất hoàn toàn nước sinh hoạt. Người dân đã yêu cầu phía Công ty tạm dừng sản xuất để có biện pháp khắc phục.
Dù đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên Công ty và chính quyền địa phương song gần 1 tháng nay những hộ dân này vẫn ngày ngày phải đi xin từng xô nước để sử dụng. Chưa có giếng khoan, những hộ dân bị mất nước cũng chưa hề nhận được hỗ trợ xây bể nước và hệ thống ống từ nguồn nước về nhà như phía Công ty cam kết. Tại khu vực mỏ khai thác, Công ty có sử dựng một téc nhựa dung tích lớn để người dân lấy nước về sinh hoạt. Tuy nhiên, theo phản ảnh của bà con thì đây vốn là téc chứa xăng dầu, nước lấy từ đây có mùi rất hôi tanh, không thể sử dụng được. Ông Đào Đình Quý, xóm Bún 2 bức xúc: "3 gia đình bố con tôi (gồm bố là Đào Đình Quý, con trai là Đào Đình Khánh và Đào Đình Đạt - PV) ở liền kề trên một thổ đất, cả thảy có 14 khẩu giờ phải đi xin từng thùng nước ăn, muốn giặt giũ phải đi nhờ cách nhà cả cây số, vợ chồng tôi đã già, thật cực quá".
Cũng theo phản ảnh của người dân, do chưa xây dựng được đường ổng thải riêng, nên Công ty đã dẫn trực tiếp nước ra hệ thống kênh mương của người dân địa phương, khiến nhiều diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng. Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã yêu cầu Công ty tạm dừng khai thác. Sự việc đã lên đến đỉnh điểm khi vào ngày 8/10 vừa qua, đại diện các hộ dân bị mất nước đã đến gặp lãnh đạo Công ty đề nghị có phương án cấp nước. Lời quan tiếng lại, ông Lê Quý Dương, Phó Giám đốc Công ty đã đánh anh Đào Đình Khánh, xóm Bún 1 phải đi điều trị tại bệnh viện. Hiện sự việc đang được Cơ quan Công an huyện Phú Lương thụ lý, giải quyết.
Lùng nhùng chuyện quy hoạch
Trong khi vấn đề thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường còn chưa được giải quyết, các hộ dân lại thêm nỗi lo tái định cư. Theo thỏa thuận, các hộ mất nhà sẽ phải chuyển đi sau 6 tháng kể từ ngày nhận tiền đền bù nhưng nay nhiều hộ vẫn không tìm được đất. Ông Đỗ Quang Chung, Bí thư Chi bộ xóm Bún 2 nói: Người dân không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà mới. Xóm đã công bố quy hoạch khu dân cư (tháng 10/2012) nhưng là phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới chứ không phải khu tái định cư của dự án. Nắm bắt được nhu cầu làm nhà, những hộ dân có đất trong khu quy hoạch dân cư đã tự ý “hét” giá đất lên cao gấp 2 đến 3 lần mức trung bình. Hộ nào chấp nhận mua đất ở khu quy hoạch mới thì số tiền đền bù chỉ để mua đất và làm nhà.
May mắn có được hơn 3 sào ruộng trong vùng quy hoạch, gia đình chị Đỗ Thị Nguyệt, xóm Bún 2 đang san lấp để chuẩn bị làm nhà. Khi được hỏi về sự hơn thiệt trước và sau dự án chị Nguyệt chia sẻ: "Nhà tôi được 1,2 tỷ tiền đền bù cho 2.190m2 đất gồm đất thổ cư, vườn và toàn bộ nhà cửa, hoa màu. Nghe có vẻ to nhưng tính ra chỉ đủ làm một căn nhà mới tương đương. Chỉ tính riêng tiền san đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, xây kè xung quanh đã mất vài trăm triệu đồng. Nhưng thế vẫn còn may, bởi nhiều gia đình số tiền đền bù còn chẳng đủ làm nhà. Như mảnh ruộng này (vừa nói chị vừa chỉ tay sang mảnh ruộng bên cạnh) diện tích là 558m2 người ta đang đòi tới 200 triệu đồng".
Chị Lê Thị Dịu, xóm Bún 1 lo lắng: "Còn hơn 4 tháng nữa là phải giao nhà rồi mà gia đình vẫn chưa biết đi đâu. Chúng tôi được đền bù với giá thổ cư là 200 nghìn đồng/m2. Mỗi thổ theo quy định 400m2, được đền bù 80 triệu đồng, nhưng giờ giá 1 sào đất đã có giá 80 đến 100 triệu đồng, chưa tính tiền chuyển mục đích sử dụng và công san lấp".
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Quý, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Gia Sàng thừa nhận: Công ty chưa thực hiện một số nội dung trong cam kết và chưa thực sự gắn bó chặt chẽ với địa phương. Để khắc phục, Công ty sẽ tạm thời lắp đặt một tec nước lớn bằng inox và hỗ trợ đường ống dẫn nước đến các hộ dân bị ảnh hưởng. Về lâu dài, Công ty sẽ có phương án cấp nước ổn định và xây dựng đường ống đổ thải sau khi đi vào hoạt động thường xuyên.
Rõ ràng, sự gắn kết giữa người dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở Dự án khai thác mỏ than Phấn Mễ còn rất lỏng lẻo, dẫn đến các bên, đặc biệt là cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Những thiếu sót, hạn chế này cần sớm được khắc phục.
Ông Lý Quảng Nam, Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ: |
Chúng tôi không bắt buộc các hộ dân phải mua đất và làm nhà tại khu quy hoạch dân cư của nông thôn mới. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng, định hướng cho họ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và làm nhà ở những nơi phù hợp. |