Đứng vững trong gian khó

09:46, 21/10/2012

Trò chuyện với anh Nguyễn Đình Lực, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp và vệ sinh môi trường Thành Công, xóm 2, xã Hùng Sơn (Đại Từ) chúng tôi cảm nhận được sự năng động, nhạy cảm với thị trường của chàng thanh niên mới ngoài 30 tuổi này.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, nhà có 5 anh em trai, anh Lực là con thứ 4. Các anh em của anh Lực đều có suy nghĩ cố gắng học tập, để xin vào cơ quan Nhà nước làm việc cho ổn định nhưng với anh Lực lại có suy nghĩ khác. Năm 2001, tốt nghiệp hệ công nhân kỹ thuật, Trường Công nhân Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên), anh Lực được Công ty Thương mại thiết bị môi trường Hiệp Hòa (Hà Nội) nhận vào làm việc. Công tác ở đây được 7 năm, được tiếp cận với nhiều kiến thức, thiết bị liên quan đến bảo vệ môi trường (xe ép rác, xe chở rác, thiết bị thông hút bể phốt…), trong khi anh nhận thấy ở quê hương mình, nhiều người chưa quan tâm đến vấn đề môi trường.

 

 Sau nhiều ngày tìm hiểu, anh Lực đã quyết định về quê lập nghiệp với suy nghĩ góp sức để xây dựng quê hương. Anh dự định đầu tư mua xe thu gom rác trên địa bàn huyện, sau đó chế biến phân vi sinh từ rác thải... nhưng đúng thời điểm đó (năm 2009) huyện vừa thành lập Ban quản lý Vệ sinh môi trường nên dự định của anh Lực không thành. Được anh trai đang làm việc tại Liên minh HTX Việt Nam tư vấn, cuối năm 2009, anh Lực đã cùng mấy người bạn góp vốn được 500 triệu đồng để thành lập HTX với các ngành nghề: sản xuất gạch không nung, sản xuất bột xây dựng, dịch vụ hút bể phốt, vận tải hàng hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, gia công cơ khí…

 

HTX đi vào hoạt động đã ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ. Hiện nay, HTX có 42 lao động đều là người địa phương có độ tuổi trung bình từ 25-30 tuổi, trong đó có 28 lao động thường xuyên, còn lại là lao động hợp đồng thời vụ theo công trình. Năm 2010, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất gạch rung ép với công suất 2.500 viên/ngày, giá bán 2.200 đồng viên. Gạch sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thấy vậy, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng từ lên 300m2, mua thêm dây chuyền sản xuất gạch không nung ép thủy lực chất lượng cao (sản phẩm thân thiện với môi trường) trị giá hơn 1 tỷ đồng. Dây chuyền này mỗi ngày sản xuất được 15 nghìn viên, với giá bán 750 đồng/viên, tạo thêm việc làm cho 8-10 lao động. Ở thời điểm này, huyện có chủ trương hỗ trợ người nghèo dân tộc thiểu số xóa nhà dột nát theo Quyết định số 167, HTX đã nhận ứng trước gạch, hỗ trợ cước vận chuyển, ủng hộ 5 tạ xi măng/hộ cho hộ nghèo để làm nhà. HTX đã giúp đỡ được 62 hộ nghèo với số tiền trên 60 triệu đồng ở các xã Hùng Sơn, Tân Thái, Bình Thuận, Tiên Hội… làm nhà mới.

 

Dẫn chúng tôi đi tham một vòng nhà xưởng sản xuất gạch đã ngừng hoạt động từ tháng 6-2012 đến nay, anh Lực giải thích: Khu vực này nằm trong diện phải di dời để thực hiện Dự án Núi Pháo nên chúng tôi chủ động dừng hoạt động để bàn giao đất khi có quyết định thu hồi. Ngay từ cuối năm 2010, để tạo việc làm cho người lao động, chúng tôi đã chủ động tìm kiếm đối tác với quan điểm duy trì công việc cho người lao động và có một phần chi phí (không đặt vấn đề lợi nhuận cao như trước). Vì thế, khi dây chuyền sản xuất gạch ngừng hoạt động, HTX vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động với mức thu nhập tăng 10% so với năm trước. Chúng tôi đã ký được hợp đồng lâu dài với Công ty TNHH Một thành viên Công nghệ sinh học Phú Gia (Đài Loan), thực hiện Dự án Trung tâm ươm tạo giống và nuôi trồng chuyển giao công nghệ nấm và# triển khai thực hiện từ tháng 4-2011 đến nay, với các công việc: xây dựng nhà thí nghiệm, thi công nhà nuôi trồng nấm…

 

Bên cạnh đó, HTX duy trì hoạt động của xưởng sản xuất cơ khí dân dụng với 6 lao động làm theo đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân… Với tổng hòa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, năm 2001, doanh thu của HTX đạt trên 6,2 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 220 triệu đồng; 9 tháng đầu năm 2012, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 68 triệu đồng (được giãn thời gian nộp thuế từ tháng 4 đến nay), thu nhập bình quân đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Bí thư Huyện đoàn Đại Từ Nguyễn Tiến Dũng nhận xét: Sự năng động, dám nghĩ, dám làm của đoàn viên Nguyễn Đình Lực là tấm gương tiêu biểu của phong trào xung kích, lao động sáng tạo của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế xã hội. Anh Lực là điển hình duy nhất của huyện Đại Từ đề nghị Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2012. Không chỉ tiên phong, đi đầu trong các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà, anh Lực còn thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ đối với những vấn đề xã hội đang quan tâm đó là môi trường, việc làm, thu nhập… của đoàn viên, thanh niên.