Chất lượng đội ngũ cán bộ và thực thi công vụ không được chấn chỉnh, nâng cao mà vẫn tăng lương là lãng phí.
Câu chuyện Chính phủ đề xuất không tăng lương cơ bản năm 2013 do ngân sách khó khăn đã trở thành một trong những nội dung được nhiều người quan tâm nhất những ngày qua.
Lãng phí trong việc tăng lương?
Trao đổi với VOV online về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, điều chỉnh lương cũng dở mà không điều chỉnh cũng dở.
Theo phân tích của ông Lợi, trong tình hình hiện nay chúng ta giải quyết vấn đề tiền lương mà không có đề án cải cách chính sách tiền lương một cách khoa học và có tính khả thi. Cách tính tiền lương vẫn giữ nguyên theo hệ thống cũ để điều chỉnh tiền lương tối thiếu, trên cơ sở đó điều chỉnh mức lương khác tự động lên theo. Trong khi đó, chất lượng đội ngũ cán bộ và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện nay không được chấn chỉnh, không được nâng cao.
“Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vẫn theo kiểu cũ là một cách làm lãng phí về mặt tiền bạc. Vì tiền lương phải là đòn bẩy kích thích, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức nhưng cũng đòi hỏi cán bộ công chức phải trả lại giá trị lao động tương ứng với tăng tiền lương như thế nào. Đã 20 năm rồi ta không làm được điều này” – ông Lợi nhấn mạnh.
Nói về sự lạc hậu trong cách tính tiền lương hiện nay, ông Lợi đưa ra dẫn chứng: Tiền lương năm 1993 chỉ là tiền lương của thời kỳ chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung bước đầu sang cơ chế thị trường. Còn bây giờ chúng ta đã sang cơ chế thị trường thì không thể giữ hệ thống tiền lương của năm 1993 để tiếp tục điều chỉnh, mặc dù 2004 có một vài sửa đổi nhưng vẫn cơ bản dựa vào năm 1993. “Như vậy, nếu điều chỉnh khi chưa có đề án cải cách tiền lương là lãng phí. Chính phủ đề nghị không tăng tiền lương cũng là phải” – ông Lợi bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, ông Lợi cũng bày tỏ lo ngại: nếu tiền lương tăng thì khả năng kiềm chế lạm phát có đảm bảo được không? Tình hình hiện nay rất nhạy cảm, cứ thấy tăng lương là giá cả lên cao. “Vậy tăng lương để làm gì? Giải quyết được vấn đề gì ngoài ý nghĩa cầm một số tiền lớn hơn” – ông Lợi đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, được “cầm số tiền lớn hơn, chỉ người hưởng lương mới có được điều này. Còn những người có thu nhập bình thường không được tăng lương, không làm công hưởng lương thì chẳng biết trông chờ vào đâu để tăng. Chính vì vậy, nếu chỉ tăng lương cho những người làm công ăn lương thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề giá cả của cả nền kinh tế. Việc này cũng cần được cân nhắc kỹ.
Chỉ 50% công chức xứng đáng tăng lương
Nếu để tiền lương thấp thì ai có thể sống, làm việc được? Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Như Lợi lật lại vấn đề: “Tại sao anh không có một đề án căn cơ về cải cách tiền lương mà đã kéo dài bao nhiêu năm rồi. Có ai tập trung làm chuyện này đâu. Không ít người có quyền quyết định trong chính sách tiền lương lại không sống bằng tiền lương”. Từ thực tế này, “đến bây giờ, điều chỉnh tiền lương cũng dở mà không điều chỉnh cũng dở. Nếu không giải quyết vấn đề này thì ta mãi rơi vào cái vòng luẩn quẩn” – ông Lợi nói.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu năm 2013 không điều chỉnh tăng lương theo đúng lộ trình thì có thể tăng một phần hoặc lùi thời điểm tăng lương về cuối năm. Tuy nhiên, quan điểm của ông Đặng Như Lợi rất rõ ràng rằng: “Dù tăng bao nhiêu cũng là tăng. Thực ra là không tăng. Đó là tiền lương tăng về danh nghĩa còn thực tế chắc gì đã tăng. Tăng lương như thế để giải quyết vấn đề gì? Hãy tập trung nghiên cứu đề án cải cách tiền lương một cách kỹ lưỡng chứ không lúc nào cũng quyết định trong tình trạng đối phó”.
Nhiều người lao động bày tỏ thất vọng nếu không được tăng lương theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, theo ông Lợi, chỉ buồn với những người làm việc rất có trách nhiệm. Nhưng những người này chỉ chiếm khoảng 50% trong đội ngũ hiện nay. 50% còn lại thì làm ăn không đáng kể gì.
“Hội nghị Trung ương khóa X đã đánh giá 40% giáo viên không đủ chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn. Vậy tăng lương cho họ đúng hay sai. Bao nhiêu năm rồi ta không xử lý được chất lượng đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước. Nếu đưa ra một số người lại “giẫy nẩy” lên. Bây giờ hỏi những người lãnh đạo họ cũng không dám nói ra điều này, chỉ đến khi nghỉ hưu rồi mới nói thật trong thời gian làm quản lý thế nào.” – ông Lợi bày tỏ bức xúc.
“Trong khi thực hiện cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính như hiện nay, Việt Nam cần chịu đau một lần để cắt giảm thực bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh, trên cơ sở đó, tăng lương cho công chức, thanh lọc bộ máy hành chính một lần nữa (vừa cắt giảm, vừa thay thế) trong khi không chỉ duy trì mà còn tiến hành nâng cao chất lượng đội ngũ công chức” – TS Vũ Đình Ánh.
Sau rất nhiều năm làm công tác tiền lương, ông Lợi đưa ra con số và cũng là nhận xét của mình về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức như sau: 1/3, 1/3 và 1/3. Và giải nghĩa: 1/3 làm việc chết thôi; 1/3 chỉ đâu đánh đó; và 1/3 thì không cần. Đấy là năm 1993 nói như vậy, còn bây giờ có khi còn tồi hơn.
Lấy dẫn chứng cho điều này, ông Lợi nói: Hãy thử đến các cơ sở cấp xã, phường thử xem, khoảng 4 giờ chiều có còn ai không? Làm việc có phiền phức không. Hãy xuống những nơi đó để biết xem công chức nhà mình làm gì? Đội ngũ này chiếm tới 260.000 người.
Một bất cập nữa được ông Lợi nhắc đến là việc “dàn hàng ngang” khi tăng lương. Từ lái xe, tạp vụ… ở cấp huyện trở lên đều được xếp vào ngạch công chức. Bây giờ tăng lương là tăng tất cả. Ngoài ra, việc tăng lương còn kéo theo vấn đề trả nợ cho lịch sử, tức là trả cả lương hưu.
“Tôi rất muốn cải cách tiền lương nhưng đi liền với đó là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và chất lượng thực thi công vụ. Phải có biện pháp để gắn với việc tăng lương. Nếu không làm tốt công vụ thì không có tiền lương mới. Chúng ta đang trả tiền một cách vô lý, đến hẹn lại lên và dàn đều” – ông Lợi nhấn mạnh./.