Trước năm 2009, 100% các tuyến đường tại xã Bàn Đạt (Phú Bình) đều là đường đất, nhỏ hẹp. Đến nay, trên 50% số tuyến đó đã được mở rộng, rải cấp phối và bê tông hóa. Kết quả đó có sự quan tâm, lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong xã.
Xã Bàn Đạt có diện tích tự nhiên lớn nhất so với các xã trong huyện (18km2), có 1.400 hộ với 5.921 nhân khẩu, trong đó 49% là người dân tộc thiểu số. Xác định làm đường giao thông là khâu đột phát để phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành vận động nhân dân tích cực vào cuộc. Đồng chí Trần Xuân Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Đầu năm 2010, nắm được chủ trương của tỉnh về việc địa phương nào có mặt bằng sẽ được ưu tiên làm đường trước, Đảng bộ xã đã tập trung triển khai, phát động phong trào hiến đất, mở rộng mặt đường tới từng xóm. Xã đã thành lập Ban vận động hiến đất làm đường, do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND xã làm Phó ban. Việc phát động phong trào hiến đất làm đường đã được nhân dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, 17/17 xóm đều đã thành lập được Ban Vận động, tiến hành huy động nhân dân đóng góp ngày công, tiền của, đất để mở rộng, làm đường… Các xóm đã thực hiện hiệu quả phong trào này là: Bàn Đạt, Bãi Phẳng, Tân Minh, Bờ Tấc…
Tìm hiểu sâu thêm về phong trào này, chúng tôi đến xóm Bờ Tấc, nơi có 100% người dân tộc Sán Dìu sinh sống. Mặc dù là xóm xa trung tâm xã nhất (gần 8km), đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng khi biết có chủ trương làm đường, 100% người dân đều đồng tình ủng hộ cả về vật chất, công sức và sẵn sàng hiến đất. Để phong trào đạt hiệu quả, xóm đã thành lập 4 tổ vận động, chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tại 4 khu của xóm. Các cuộc họp dân được triển khai kịp thời, những khúc mắc về các khâu đóng góp, làm đường… được giải quyết kịp thời. Kết quả 2km đường có chiều rộng 2,5m đã nhanh chóng được mở rộng lên 6m trong năm 2010, trong đó nhân dân hiến 2.750m2 đất và đóng góp 20.000 đồng/nhân khẩu. Được bà con ủng hộ, đầu năm 2011, Ban vận động tiếp tục lên kế hoạch và hoàn thành việc mở rộng 8km đường liên xóm, đường nội đồng (nhân dân đóng góp trên 200 triệu và gần 16.000m2 đất). Sự vào cuộc nhiệt tình của Ban vận động xóm, sự đồng thuận ủng hộ của bà con, đến cuối năm 2011, 100% các tuyến đường của xóm đã được mở rộng. Được biết, nhờ thực hiện tốt phong trào này nên xóm đã được Nhà nước đầu tư hỗ trợ 80% kinh phí để làm 0,8km đường bê tông. Theo kế hoạch, đoạn đường này sẽ được triển khai vào cuối tháng 10 năm nay.
Nói về kinh nghiệm vận động nhân dân hiến đất làm đường, đồng chí Diệp Văn Hưng, Bí thư Chi bộ xóm Bờ Tấc cho biết: Để bà con mình ủng hộ thì cán bộ nói phải đi đôi với làm. Thấy cán bộ làm được, có lợi ích và hiệu quả thì bà con sẽ nghe theo. Mọi việc chúng tôi đều đưa ra họp bàn, lấy ý kiến của bà con. Nhờ đó mà phong trào hiến đất làm đường ở đây mới suôn sẻ. Các gia đình hiến đất, tài sản trên đất tiêu biểu như: Ông Ân Văn Môn (295m2), bà Hoàng Thị Sinh (300m2), bà Mạch Thị Tư (200m2)...
Không chỉ ở xóm Bờ Tấc, phong trào hiến đất làm đường còn được nhân dân toàn xã nhiệt tình ủng hộ. Ông Đặng Thanh Sơn (xóm Bãi Phẳng) cho biết: Giờ thì 2 xe đi ngược chiều không phải dừng lại để tránh nhau nữa. Đường đã rộng hơn gấp đôi, gấp 3 rồi. Các cháu học sinh đến lớp cũng đỡ vất vả hơn. Gia đình tôi đã góp tiền và hơn 200m2 đất ruộng, thổ cư để làm đường. Dù phải đóng góp nhiều hơn để có đường đi lại thuận tiện, chúng tôi cũng sẵn lòng. Tôi tin, tới đây, đời sống kinh tế của bà con sẽ phát triển hơn rất nhiều.
Đến nay, xã Bàn Đạt đã có trên 10km đường được mở rộng mặt đường lên đến 6m; 5km được giải cấp phối và 0,6km được đổ bê tông; hàng chục km đường nội đồng tại các xóm cũng đã được mở rộng. Trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 800 triệu đồng, nhân dân đóng góp gần 5ha đất, trên 500 triệu đồng tiền mặt và hàng nghìn ngày công lao động. Với cách làm đúng đắn cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, tin rằng tới đây, 100% tuyến đường liên xóm ở Bàn Đạt sẽ được mở rộng và cứng hóa.
Chia tay Bàn Đạt, tôi thấy mình như có thêm niềm vui mới. Những ngôi nhà mái ngói, mái bằng, nhà 2 tầng đang dần thay thế nhà lợp lá cọ, rạ; chè hạt đã được thay thế bằng giống chè cành năng suất cao; 100% diện tích lúa được sử dụng giống cấp 1; thu nhập đầu người của xã hiện nay đạt 7 triệu đồng/người/năm, gấp đôi so với những năm về trước, điều đó cho thấy vùng quê này đang chuyển mình mạnh mẽ.