Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, hỗ trợ trẻ em

11:12, 26/10/2012

Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Thái Nguyên (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) có nhiệm vụ cung cấp và kết nối các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em:tư vấn, trợ giúp phục hồi tâm lý, cung cấp thông tin về các vấn đề có liên quan đến trẻ em và gia đình, kết nối với các tổ chức, cá nhân, các dịch vụ an sinh xã hội để hỗ trợ trẻ em vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống; bảo đảm thực hiện tốt quy trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em từ khâu phòng ngừa, phát hiện kịp thời các trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đến việc phối hợp, huy động hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ em cần sự can thiệp trợ giúp... Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm  đã góp phần giúp đỡ những trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em có các vấn đề về tâm lý, xã hội ổn định cuộc sống để phát triển hài hòa về mọi mặt.

Xin nêu một số trường hợp điển hình: Trường hợp thứ nhất, cháu Đỗ Cảnh Kỳ, xóm Bến Đò, xã Thịnh Đức (TP Thái Nguyên), học lớp 2 nhưng rất nghịch ngợm. Ở trên lớp cháu hay làm theo sự xúi giục của những bạn lớn tuổi hơn. Bố mất sớm nên ông bà nội cũng chiều chuộng và bênh vực mỗi khi cháu bị mẹ mắng. Chị Đỗ Thị Sang (mẹ cháu Kỳ) đã gọi điện đến đường dây tư vấn 1800.8080 của Trung tâm và đề nghị được tư vấn về phương pháp nuôi dạy con. Được cán bộ tư vấn nói chuyện riêng, khích lệ và cháu đã thay đổi. Mẹ cháu và ông bà nội cũng được tư vấn về phương pháp giáo dục trẻ, thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để có thể kiểm soát được những việc làm không đúng của cháu và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Sau 1 tháng thực hiện, mẹ cháu Kỳ đã vui mừng thông báo với Trung tâm về sự thay đổi, cháu không còn có hành động ôm hôn các bạn nữ, biết vâng lời và giúp đỡ mẹ việc nhà, tư tưởng bênh cháu của ông bà nội cũng không còn nữa...

 

Trường hợp thứ hai, đó là Cháu Nguyễn Thị Hoa (7 tuổi), xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) bị câm, điếc bẩm sinh; mẹ bị thiểu năng trí tuệ đã mất, không biết bố là ai, họ hàng không ai nhận nuôi. Hiện tại cháu đang sống cùng với cụ đã 85 tuổi. Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã cử cán bộ tận nơi để xác minh thông tin và có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Trung tâm đã kết nối với Trung tâm Bảo trợ xã hội làm hồ sơ, thủ tục để tiếp nhận cháu Hoa và hiện nay cháu đã được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng.

 

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm trường hợp trẻ em được Trung tâm tư vấn, can thiệp, hỗ trợ kể từ khi thành lập đến nay. Đồng chí Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận và kết nối dịch vụ trị liệu cho 14 trẻ bị tự kỷ; can thiệp trợ giúp 6 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống; 2 trẻ bị bạo hành; 1 trẻ bị khiếm thính bẩm sinh; 1 trẻ bị sứt môi hở hàm ếch; 1 trẻ mồ côi không nơi nương tựa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội; trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý cho 5 trẻ bị xâm hại tình dục...

 

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện các bài viết, phóng sự tuyên truyền về công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tổ chức được 11 lớp tập huấn phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; kỹ năng can thiệp trợ giúp trẻ em; quy trình lập hồ sơ quản lý ca cho đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, cộng tác viên thôn, xóm, bản ở những địa bàn trọng điểm; 27 cuộc nói chuyên chuyên đề và tư vấn lưu động tại cộng đồng về chế độ chính sách, pháp luật, y tế liên quan đến trẻ em; tuyên truyền quyền trẻ em và kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho trên 10.000 học sinh của 20 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận và xử lý trên 10.000 cuộc gọi đến đường dây tư vấn 1800.8080, trong đó có thông tin thông báo, tố giác về các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi. Thực hiện tư vấn trực tiếp và tư vấn qua tổng đài về chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý ở độ tuổi vị thành niên, tình bạn, tình yêu, giới tính, quan hệ bạn bè, gia đình, nhà trường; kỹ năng giáo dục trẻ, kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em... cho trên 1.000 trường hợp.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp  với các cơ quan truyền thông kêu gọi sự chung tay giúp đỡ, ủng hộ của cộng đồng cho 2 trường hợp ở xã Kha Sơn (Phú Bình) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết nối với chương trình “Trái tim cho em” và các nhà tài trợ hỗ trợ được trên 50 triệu đồng giúp đỡ 1 trẻ được mổ tim miễn phí. Kết nối với Đội sinh viên tình nguyện của Đoàn Trường Đại học Thái Nguyên (Câu lạc bộ Cỏ Bốn lá) và Báo Thái Nguyên thực hiện khảo sát thực trạng điều kiện ăn ở và sinh hoạt của học sinh tại Trường Tiểu học và THCS xã Thần Sa (Võ Nhai) và đã quyên góp giúp đỡ được 15 chăn bông, 15 chăn mỏng, 10 chiếc màn, 30 bút máy, 130 kg gạo để tặng học sinh; chuẩn bị thực hiện chương trình quà tặng áo ấm mùa đông tại trường này vào đầu tháng 11/2012 nhằm giảm bớt những khó khăn và động viên khích lệ các em cố gắng vươn lên học tập tốt.