Khó quản lý vốn cho học sinh, sinh viên nghèo vay

15:19, 17/10/2012

Khi nguồn vốn cho vay được quản lý tốt thì chúng ta mới nghĩ tới mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ chương trình tín dụng cho HSSV.

Tin vui đến với các gia đình, học sinh, sinh viên (HSSV) nghèo là mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định bổ sung cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam gần 2.500 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Tín dụng hỗ trợ cho HSSV nghèo vay. Ngoài ra, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cũng chỉ đạo các trường giãn thu tiền đối với HSSV nghèo được vay vốn nhưng chưa có tiền đóng học.

 

Thông tin trên được đưa ra khi NHCSXH Việt Nam vừa cho biết, kể từ khi chương trình tín dụng với HSSV theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện từ năm 2007 đến nay, đã có hàng vạn HSSV nghèo trên khắp cả nước được vay vốn để trang trải học tập với số tiền lên tới hơn 35.000 tỷ đồng được giải ngân.

 

Cán bộ Phòng Công tác Chính trị và quản lý sinh viên của một trường ĐH ở Bình Dương hướng dẫn sinh viên làm thủ tục vay vốn tín dụng

 

Năm 2007, khi bắt đầu thực hiện chương trình, mỗi một HSSV nghèo chỉ được vay tối đa 800.000 đồng/tháng, thì đến nay, mức cho vay đã được nâng lên là 1 triệu đồng/tháng.

 

Trong khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, giá cả các mặt hàng và sinh hoạt tăng như những năm gần đây thì số tiền cho một HSSV nghèo vay như trên chưa phải là cao. Song nó cũng đã góp phần không để cho hàng vạn HSSV vì nghèo mà phải bỏ học giữa chừng, vì nghèo mà đành gác lại giấc mơ có bằng ĐH. Vì vậy, chương trình tín dụng với HSSV là một chủ trương được dư luận xã hội đánh giá cao bởi tính nhân văn và sự quan tâm của Nhà nước đối với sự nghiệp GD-ĐT.

 

Tuy nhiên, theo thống kê từ NHCSXH Việt Nam, hiện nay, còn rất nhiều HSSV nghèo trên cả nước muốn được vay vốn để đi học. Bằng chứng là ở các địa phương, có nhiều HSSV đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được vay vốn theo chương trình ưu tiên của Chính phủ. Nguyên nhân là do nguồn vốn để cho HSSV nghèo vay chỉ có hạn.

 

Cần đến 50.000 tỷ đồng

 

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Để sinh viên nghèo có tiền theo học” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính khẳng định, hiện có đủ từ 2.500-3.000 tỷ đồng cho HSSV vay trong học kỳ 1 của năm học 2012-2013.

 

Số tiền này được lấy từ nguồn vốn giảm nghèo của Ngân hàng thế giới dành cho NHCSXH Việt Nam để giải ngân cho chương trình tín dụng HSSV.

 

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài Chính, để cho HSSV vay tiền đi học trong vòng 5 năm thì cần số vốn quay vòng từ  45-50.000 tỷ đồng.

 

Để đảm bảo nguồn vốn cho cả chu kỳ quay vòng 5 năm, Bộ Tài chính đã xây dựng cơ cấu: Nhà nước bố trí khoảng 1/3 số vốn trên, NHCSXH Việt Nam huy động 2/3 từ thị trường để đảm bảo nguồn vốn cho HSSV.

 

Cơ cấu bố trí nguồn vốn được Bộ Tài chính đưa ra có vẻ thuyết phục, vì gia đình và HSSV nghèo không thể cứ trông chờ vào nguồn vay từ ngân sách Nhà nước mà cần có sự góp sức từ chủ trương “xã hội hóa giáo dục”, kêu gọi sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp giáo dục.

 

Tuy nhiên, để huy động được nguồn vốn trên không phải là dễ dàng bởi thực tế nước ta còn nhiều lĩnh vực khác cũng đang cần được đầu tư và kêu gọi sự đóng góp của nhân dân.

 

Mặc dù cơ cấu bố trí nguồn vốn trên được Bộ Tài chính đưa ra chưa biết có thực thi được hay không nhưng vấn đề mà dư luận quan tâm là khi có đủ số tiền trên, các địa phương sẽ sử dụng số vốn đó như thế nào một cách hiệu quả nhất, để số tiền cho vay đúng đối tượng cần và có thể thu hồi, đáo hạn các khoản nợ đúng hạn. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là không bị thất thoát nguồn vốn cho vay.

 

Gia đình nghèo vẫn nặng gánh

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu một gia đình có 1 con em đi học trong 5 năm, vay mức tối đa thì sau 5 năm dư nợ là 50 triệu đồng. Nếu có 2 em đi học đã mất 100 triệu đồng. Với một gia đình nghèo ở những vùng miền khó khăn, dư nợ 100 triệu đồng là con số tương đối lớn. Cho nên việc tính toán mức cho vay cũng phải tính tới khả năng trả nợ của gia đình HSSV trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn của họ. Dư nợ lớn sẽ là gánh nặng đối với các gia đình và cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định nhập học của HSSV.

 

Đối với những HSSV học tập tốt và gia đình có thể trả nợ cho ngân hàng là điều không bàn tới, nhưng nếu có những HSSV chểnh mảng trong học tập hay bỏ học giữa chừng, SV tốt nghiệp xong chưa hoặc không có việc làm thì việc thu hồi nợ là việc khó khả thi.

 

Để quản lý tốt nguồn vốn cho vay, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần có sự kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ của HSSV, thường xuyên nắm bắt thông tin, xử lý những vướng mắc phát sinh, quản lý và thu hồi vốn vay sau khi SV ra trường.

 

Chúng ta cần quy định rõ trách nhiệm của từng địa phương trong việc thẩm định trường hợp HSSV được vay vốn, nguồn vốn được phân phát có đúng đối tượng hay không. Bởi lẽ khi nguồn vốn cho vay được quản lý tốt thì chúng ta mới nghĩ tới mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ chương trình tín dụng cho HSSV./.