Kiến ba khoang xuất hiện nhiều tại Thái Nguyên

09:39, 24/10/2012

Thời gian vừa qua, tại một số trường như: Đại học Nông Lâm, Cao đẳng kinh tế, trường dạy nghề Thái Nguyên… có hàng trăm học sinh, sinh viên có triệu chứng phồng rộp da, triệu chứng này giống như bệnh zôna (dân gian còn gọi là giời leo) và đã có 10 bệnh nhân bị phồng rộp nặng phải vào điều trị tại Khoa Lây, Bệnh viện A Thái Nguyên. Qua xét nghiệm chẩn đoán thì không phải do bệnh zôna gây nên mà do độc tố của một loại kiến ba khoang. Bệnh nhân bị kiến này đốt, sau đó dùng tay giết chúng ngay trên da, vì vậy độc tố của loại kiến này sẽ làm tổn thương gây phỏng cho những vùng da tiếp xúc.

Theo Thạc sĩ Lê Cao Hải, Trưởng khoa Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Y tế Dự phòng Thái Nguyên), kiến ba khoang là một loại kiến cực độc có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc bộ cánh cứng. Về mặt hình thái học của loại côn trùng này rất đặc biệt: thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong, ... Chúng thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng. Trong thân kiến có chất Pederine (C24H43O9N), có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất photpho ở "con giời".

 

Loài bọ này thường sống trên các ruộng lúa, môi trường trường học, ký túc xá, khu ở trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố, có cỏ mọc xung quanh. Khi ruộng lúa vào mùa gặt, chúng thường bay vào các khu chung cư cao tầng nơi có ánh sáng đèn Neon để ăn các loại côn trùng rầy nâu, bọ hóng… trong nhà. Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Những người làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình vô tình giơ tay đập, quệt, chà sát côn trùng và chất Pedirine có trong côn trùng rơi vào da. Có khi côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn mặt, quần áo. Người bệnh không chú ý, chà xát phải côn trùng gây thành viêm da bọng nước (có trường hợp người bệnh giết côn trùng và đưa tay quết lên da và tạo thành vết thương).

Bệnh do kiến ba khoang gây ra không gây nguy hiểm đến tính mạng nên không nên quá lo sợ, chủ yếu gây tổn thương trên da. Vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng. Đặc biệt tổn thương da nặng nhất, lan tỏa rộng nhất ở vùng da mềm. Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12-36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét, khi đó những tổn thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y… tùy theo cách ta giết chúng. Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Nếu điều trị muộn, tổn thương da có thể để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. Nếu độc tố của chúng dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và sưng nề phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.

 

Để phòng tránh loại kiến này cần: Rửa tay ngay sau khi chúng ta giết kiến và rửa vùng da nơi kiến tiếp xúc bằng xà phòng. Lưu ý, không được chà xát làm vây bẩn độc tố của chúng ra vùng da nhiều nơi, vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa. Khi da bị tổn thương phồng rộp, hay sang thương loét có thể chúng ta rửa bằng thuốc tím (KMnO4), thuốc xanh Metylen lên vùng da, thuốc kem bôi  có chứa corticosteroids như: Korcin; Betnovate; Betnovate-GM; Gentrisone. Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bóng nước trên da, nếu cảm giác ngứa thì không nên gãi mạnh vì có thể gây viêm da lan rộng hơn, lúc này cần uống them thuốc kháng Histamin (thuốc chống dị ứng).

 

Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2 - 3 tuần. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng, trong nhà nên thắp đèn có ánh sáng vàng. Nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng. Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Sau đó bôi thuốc tím. Ngoài ra để chủ động xua đuổi và diệt kiến ba khoang chúng ta nên dùng biện pháp phun hoá chất (Hoá chất diệt Pendonal, Icon, Premethrin…).