Nỗi niềm của người dân xóm Ngọc Sơn II

08:52, 30/10/2012

Từ năm 2008 đến nay, cứ vào khoảng tháng 9 âm lịch trở đi, các hộ dân ở khu vực Lân Hoài, xóm Ngọc Sơn II, xã Thần Sa (Võ Nhai) lại lao đao vì thiếu nước sinh hoạt...

Ông Dương Văn Tự, người dân khu vực Lân Hoài, xóm Ngọc Sơn II cho biết: Gia đình tôi hiện có 4 nhân khẩu, ít nhất cũng phải cần 40 lít nước/ngày để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như: nước uống, nấu cơm, rửa rau. Nhưng đến mùa khô, nước ở các mó nước rất ít, không đủ chảy về nhà, chúng tôi phải ra tận bể chứa trong xóm gánh nước về dùng. Từ nhà tôi ra đến bể nước không xa lắm nên việc gánh nước còn đỡ, những hộ ở xa bể thì rất vất vả.

 

Đến nhiều hộ dân khu vực Lân Hoài, chúng tôi nhận thấy gia đình nào cũng có vòi dẫn nước được đấu nối từ công trình cấp nước của xóm. Tuy nhiên, vào thời điểm này, lượng nước chảy về nhà ở một số hộ đầu nguồn rất nhỏ. Những hộ này chuẩn bị sẵn các thùng lót bạt, thùng nhựa, nồi để chứa nước. Với những hộ ở cuối nguồn nước, vào thời điểm này đã phải đi gánh hoặc xách nước. Ông Dương Văn Thế, một hộ dân ở cuối nguồn than vãn: Gia đình tôi được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước về tận nhà. Song, mấy năm gần đây, cứ vào mùa khô hạn (khoảng từ tháng 9 âm lịch trở đi), nguồn nước tự chảy được tích trong các mó nước bị giảm nhiều, chảy về nhà nhỏ giọt, thậm chí có hôm không có nước, phải ra tận ngoài xóm lấy nước. Chúng tôi phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm, giặt quần áo thì mang ra ngoài các khe suối, nước vo gạo, rửa rau đều được tận dụng lại để nấu cám lợn.

 

Ông Dương Quang Vịnh, Bí thư Chi bộ xóm Ngọc Sơn II cho biết: Từ năm 2004, xóm đã được đầu tư xây dựng các mó cung cấp nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số nhân khẩu đông lên, trong khi đó, lượng nước tự chảy ngày càng bị ít đi do các đầu mối ống dẫn bị rò rỉ gây thất thoát, lượng nước ở đầu nguồn bị cạn kiệt dần. Vào những tháng khô hạn, hầu hết các hộ dân ở khu vực Lân Hoài đều thiếu nước dùng cho sinh hoạt. Các hộ phải ra tận ngoài khu vực Suối Phung để lấy nước. Bản thân tôi đã tự bỏ tiền ra khoan giếng sâu 40m, nhưng không thể bơm được do lượng nước ít. Theo kinh nghiệm của thợ khoan giếng, muốn bơm được nước thì phải dùng máy khoan công nghiệp, máy bơm loại to thì mới bơm được nước lên. Điều này, các hộ dân trong xóm chưa thực hiện được bởi chi phí rất cao...

 

Ông Dương Văn Chiến, Trưởng xóm Ngọc Sơn II thông tin thêm: Hiện, xóm có 40 hộ, 180 nhân khẩu, dduwwocj chia làm 2 khu dân cư: Lân Hoài (30 hộ), Suối Phung (10 hộ) với 15ha đất cấy lúa, 6ha đất trồng ngô và trên 400ha trồng cây lâm nghiệp. Hiện tại, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân vẫn là trồng lúa, ngô. Tuy nhiên, xóm chưa có công trình thủy lợi, nguồn nước tuối hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, do vậy, năng suất cây trồng còn thấp. Theo ước tính, ruộng lúa nào tốt nhất cũng chỉ đạt khoảng 1,8 tạ thóc/ sào. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm còn chiếm tới 50% tổng số hộ. Nhu cầu bức thiết nhất của người dân hiện nay là cần nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Chỉ khi nào vấn đề này được giải quyết thì cuộc sống của bà con mới dần khấm khá lên. Theo tôi, phương án có thể khắc phục được tình trạng này là Nhà nước đầu tư khoan giếng kiểu công nghiệp hoặc đầu tư máy bơm loại to để bơm nước từ dưới hang lên...

 

Đem những vấn đề trên trao đổi với lãnh đạo xã Thần Sa, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND chia sẻ: Những phản ánh của người dân xóm Ngọc Sơn II về tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất là hoàn toàn chính đáng. Trước tình trạng này, xã đã đề nghị xóm tiến hành khoan thăm dò một số chỗ. Nếu có nước, chúng tôi rất mong được đầu tư xây dựng trạm bơm cấp nước để giảm bớt khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân nơi đây...