Tuyến đường Cúc Đường - Thần Sa (Võ Nhai) dài khoảng 9km, mặt đường đã được trải nhựa phẳng phiu, giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi. Tuy nhiên, 3 ngầm suối trên tuyến đường này vẫn chưa được xây dựng cầu kiên cố nên người dân phải đi qua 3 chiếc cầu tạm (ảnh), vừa phiền phức, vừa tốn kém...
Ông Lý Văn Nùng, dân tộc Mông, ở xóm Kim Sơn, xã Thần Sa than vãn: Hầu như ngày nào, tôi hoặc các con tôi đều phải đi ra ngoài Cúc (Cúc Đường) một lần. Mỗi lần đi là một lần phiền phức, tốn kém vì phải đi qua 3 cái cầu phải trả tiền. Tính ra, mỗi tháng, gia đình tôi tốn hơn 200 nghìn đồng cho phí cầu đường. Vào thời điểm nước to, cầu bị ngập, người và phương tiện thô sơ phải đi qua bằng mảng, giá từ 50 đến 60 nghìn đồng/lượt... Mong sao Nhà nước sớm đầu tư xây dựng những chiếc cầu cứng để người dân đi lại thuận tiện và không bị mất tiền...
Tuy không phải là người sống ở xóm Kim Sơn nhưng anh Trương Văn Xí, xóm Chòi Hồng (Tràng Xá) vẫn thường xuyên đi qua những chiếc cầu này để sang nhà bố mẹ vợ. Anh cho biết: Quãng đường từ Cúc vào đến nhà bố mẹ vợ không dài lắm nhưng phải đi qua 3 cái cầu tạm. Khó chịu nhất là việc phải dừng lại để trả tiền cầu, đứng chờ xe phía bên kia cầu qua hết thì mới đi qua được, bởi cầu quá hẹp... Còn cô giáo Ma Thị Thu Trình, ở xóm Trung Thành, xã Thượng Nung, công tác ở Trường Mầm non Cúc Đường nói: Có những hôm xin các chủ cầu đi qua, không phải mất tiền. Nhưng ngày ngày đi qua đây, xin nhiều cũng ngại. Về sau, mình cứ trả tiền cho xong...
Tuyến đường từ ngã ba Cúc Đường vào UBND xã Thần Sa dài gần 9km được trải nhựa phẳng phiu. Công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng vào đầu năm 2012 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Người dân đi lại trên tuyến đường này đã không phải chịu cảnh bụi bặm về mùa khô hoặc lầy lội, trơn trượt về mùa mưa. Tuy nhiên, theo thiết kế, 3 ngầm trên tuyến đường chỉ được đầu tư xây dựng là ngầm tạm, có xếp rọ đá. Người và các loại phương tiện khi đi qua phải lội nước. Trước tình trạng này, một số hộ dân ở xóm Tân Sơn (Cúc Đường) đã xin UBND xã và tự bỏ công sức, tiền để xây dựng 3 chiếc cầu tạm. Những cái cầu tạm này được ghép bằng các miếng gỗ rộng khoảng 1m, hai bên cầu đều không có lan can. Để có kinh phí làm và sửa chữa mỗi khi cầu bị hỏng, những hộ dân này đã tự đặt ra quy định thu tiền người đi qua cầu. Cứ người từ ngã ba Cúc Đường đi vào là đều bị thu. Cầu thứ nhất thu 2.000 đồng, cầu thứ 2 và 3 là 3.000 đồng cho 1 lượt đi về. Một chị đang trực thu tiền cầu cho biết: Chúng tôi không ép buộc người dân phải đi qua cầu. Nếu ai không muốn bị mất tiền thì lội qua ngầm suối. Còn khi đã đi qua cầu thì chúng tôi đều thu tiền.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, những gì người trực thu tiền trên nói là hoàn toàn đúng. Tuy các chủ cầu không ép buộc người dân phải đi qua cầu nhưng hầu như ai cũng ngại lội qua ngầm suối vì nước dâng khá cao và lởm chởm đá. Do vậy, người dân dù không muốn nhưng vẫn phải... qua cầu. Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Xuân Tiếp, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết: Trước việc đi lại trên tuyến đường này còn khó khăn, một số hộ dân xóm Tân Sơn đã làm những chiếc cầu gỗ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại của nhân dân trong và ngoài xã. Các chủ cầu đã ký cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân khi đi qua cầu, cũng như không làm ảnh hưởng đến ngầm cầu. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đã vào khảo sát thực tế để đầu tư xây dựng 3 cầu kiên cố tại 3 địa điểm này.
Vì đây là tuyến đường huyết mạch đi xã Thần Sa và Thượng Nung đến UBND huyện nên chỉ khoảng 15 phút đứng chờ ở cầu, chúng tôi đã đếm được hàng chục lượt xe máy, xe đạp đi qua. Nhân dân trong vùng rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng những chiếc cầu kiên cố trên tuyến đường này.