Mặt bằng về cơ bản đã được giải phóng xong, phương án thiết kế và kế hoạch triển khai cũng đã được phê duyệt, đây là bước ngoặt trong việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, công trình trọng điểm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của tỉnh Thái Nguyên…
“Nút thắt” trong giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ
Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (gọi tắt là Dự án) được Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt năm 2003, địa điểm xây dựng tại tổ 24, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Tuy nhiên, nhiều năm do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nên Dự án chưa được thực hiện (trong khi theo kế hoạch, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2007).
Tính đến năm 2008, UBND T.P Thái Nguyên đã giải phóng và bàn giao cho chủ đầu tư (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) được trên 8.800 m2 đất của giai đoạn một. Do tầm quan trọng của một thiết chế văn hóa quy mô, đại diện cho khu vực trung du miền núi phía Bắc mà Dự án đã được điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở ra mặt đường Hoàng Văn Thụ. Từ đó, việc GPMB đối với 18 hộ dân tại 17 lô đất bám mặt đường Hoàng Văn Thụ gặp phải trở ngại lớn, mặc dù đã có những nỗ lực không nhỏ của chính quyền và các cơ quan chuyên môn của thành phố, phường Hoàng Văn Thụ. Mấu chốt của vấn đề là do các hộ dân chưa đồng ý về vị trí tái định cư.
Đến đầu năm 2012 vẫn còn 7 hộ dân chưa hợp tác để Tổ công tác GPMB Dự án thống kê, kiểm đếm tài sản. Bởi thế, ngày 13/7/2012, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên - đồng chí Lê Văn Tuấn đã trực tiếp chủ trì buổi đối thoại với 7 hộ dân này, giải đáp thỏa đáng tất cả những thắc mắc của người dân. Sau buổi đối thoại, tất cả các hộ dân đã thể hiện tinh thần hợp tác, bằng việc chấp thuận phương án bồi thường, nhận tiền đền bù đất và nhận đất tái định cư. Hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố (đơn vị được giao trực tiếp làm công tác GPMB của Dự án) đang khẩn trương thống kê, kiểm đếm tài sản trên đất của các hộ dân còn lại, đồng thời yêu cầu các hộ sớm di chuyển để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Sẵn sàng triển khai Dự án
Do tầm vóc của một công trình kiến trúc văn hóa cấp vùng, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã 3 lần tổ chức thi tuyển, lựa chọn kỹ càng phương án thiết kế kiến trúc. Đầu năm 2012, phương án thiết kế của Công ty CP Tư vấn công nghệ xây dựng và kiến trúc Á Châu (Hà Nội) đã được lựa chọn, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, đại diện chủ đầu tư thì phương án được phê duyệt đã thể hiện được giá trị truyền thống và tính hiện đại theo yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế công trình.
Ngoài hình ảnh chiếc cọn nước quen thuộc với đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc “… Mang nước đến bản làng đồng thời truyền tải những thông điệp văn hóa - lịch sử - con người và những giá trị nhân văn cao đẹp nhưng bình dị của người dân Việt Bắc…”- theo thuyết minh của đơn vị thiết kế, còn có những thửa ruộng bậc thang, những ngọn núi được cách điệu. Đồng thời, Phương án thiết kế còn dành không gian cho việc trưng bày các đặc trưng văn hóa vật thể và biểu diễn các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian vùng miền. Tính hiện đại của Phương án thiết kế được thể hiện ở chỗ, Công trình Nhà hát hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phát triển không gian của T.P Thái Nguyên, góp phần khẳng định vị thế trung tâm vùng của thành phố. Nhà hát là một công trình kiến trúc văn hóa đa năng, có phòng biểu diễn chính với sức chứa 1.200 khán giả, 2 phòng biểu diễn nhỏ, mỗi phòng 200 ghế khán giả…
Ngày 17/10/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung, (Dự án có tổng giá trị đầu tư sau khi điều chỉnh là gần 320 tỷ đồng), đồng thời phê duyệt Kế hoạch thực hiện Dự án, đảm bảo cung ứng vốn cho Dự án. Chủ đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, cam kết triển khai để hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình đó, sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của người dân trong khu vực là rất quan trọng.