Đề xuất trên được nêu rõ trong Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thủ đô và được Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội (QH) ngày 26/10.
Theo Chính phủ, việc kiểm soát dân cư ở nội thành bằng biện pháp hành chính tuy chưa phải giải pháp tối ưu nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô. Bởi những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành. Cụ thể, kể từ khi Luật Cư trú có hiệu lực, mỗi năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành (so với trước đây khoảng 15.000 người/năm thì tăng hơn gấp ba lần) gây ra tình trạng quá tải.
Từ những lý do trên, dự thảo đã xây dựng hai phương án hạn chế nhập cư để QH quyết định. Trong đó, phương án 1 quy định: Người lao động “có biên chế” hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được đăng ký thường trú ở nội thành với điều kiện phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ ba năm trở lên mới được phép nhập cư. Phương án 2 thì “siết” hơn bằng việc bổ sung điều kiện là nhà ở do thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5 m2/người.
Như vậy, so với Luật Cư trú hiện hành thì quy định trong dự thảo Luật Thủ đô đã loại trừ khả năng cho đăng ký thường trú với người có chỗ ở do mượn hoặc ở nhờ của cá nhân; chỗ ở do thuê thì phải thuê của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; tăng thời gian tạm trú từ một năm lên ba năm và bổ sung quy định nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Báo cáo thẩm tra về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay đa số các ý kiến đều đồng tình với phương án 1. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành... thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.