Thiết kế “hành lang” riêng cho xuất bản phẩm điện tử

14:59, 27/10/2012

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi).

Dự thảo luật lần này cũng tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp trước về quy định một chương riêng (Chương V) liên quan đến xuất bản và phát hành ấn phẩm điện tử.

Chương này gồm các nội dung: điều kiện hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; cách thức thực hiện; kỹ thuật, công nghệ; nộp lưu chiểu; quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử; xử lý vi phạm; hướng dẫn thi hành.

Các đại biểu cho rằng quy định về xuất bản điện tử sẽ góp phần điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động này.

Lo ngại sự nở rộ các nhà xuất bản

Theo dự thảo luật, đối tượng được thành lập nhà xuất bản (NXB) là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp Trung ương và cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập cấp Trung ương và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.

Để một NXB ra đời và hoạt động, dự luật quy định cơ quan chủ quản NXB có đề án thành lập NXB phù hợp với quy hoạch phát triển mạng NXB; có người đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo nhà xuất bản và có ít nhất 5 biên tập viên; có trụ sở hoạt động, nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết khác...

Đối với chức danh biên tập viên của NXB, dự luật quy định “là công dân Việt Nam; có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; trình độ đại học trở lên; có kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ biên tập”.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) và Nguyễn Thị Kim Thúy (T.P Đà Nẵng) cho rằng với các điều kiện như trên dễ gây ra sự “nở rộ” thành lập các nhà xuất bản khi các điều khoản quy định chưa chặt chẽ, đặc biệt là quy định chung chung về tiêu chuẩn của biên tập viên NXB.

Các đại biểu này cho rằng có thực tế NXB chỉ tồn tại nhờ bán giấy phép xuất bản cho các đối tác liên kết, có NXB sở hữu từ 70- 90% sản phẩm xuất bản liên kết. Do vậy, khi thành lập NXB dễ dàng nhưng việc kiểm soát hoạt động không kịp thời, dễ gây ra lãng phí. Hiện cả nước có 64 NXB, đa phần do Nhà nước bao cấp nhưng mỗi năm chỉ đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng không nên tách việc thành lập NXB và cấp phép hoạt động xuất bản thành hai khâu khác nhau để tránh xảy ra tình trạng nhà xuất bản thành lập rồi, khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông mới xem có đủ điều kiện hay không để cấp giấy phép hoạt động.

Mở rộng sự tham gia vào hoạt động xuất bản

Về vấn đề liên kết xuất bản, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với mục đích mở rộng sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động xuất bản. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm xuất bản, dự thảo luật đã bổ sung quy định đối tác liên kết có thể được thực hiện khâu biên tập sơ bộ bản thảo khi đủ các điều kiện và năng lực biên tập; trong trường hợp này nhà xuất bản chịu trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản.

Đồng thời, quy định đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để  bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng.

Về chính sách đối với hoạt động xuất bản, mặc dù nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần có ưu đãi cân bằng cho hoạt động xuất bản, in và phát hành sản phẩm xuất bản, nhưng dự thảo luật chỉ quy định tập trung ưu tiên, hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm đã xã hội hóa rồi nên chỉ ưu đãi ở mức hợp lý. Còn các cơ sở in, xuất bản và phát hành sản phẩm xuất bản phục vụ đối tượng, địa bàn thuộc diện ưu tiên của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn.