Bảo hiểm y tế - những bất cập cần điều chỉnh

10:51, 25/11/2012

3 năm sau khi thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), tỷ lệ bao phủ đã lên tới 65% dân số, gần 2500 cơ sở y tế thực hiện việc khám chữa bệnh (KCB) cho người dân qua thẻ. Con số trên cho thấy Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa BHYT không tồn tại bất cập. 3 năm thực hiện mà tỷ lệ huy động vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, quy định về cùng chi trả… cho thấy cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.                                          

 

Tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe

 

Theo bà Tống Thị Song Hương (Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế), năm 2012, ước số người tham gia BHYT là 59,164 triệu người, tăng hơn 2 triệu người so với năm 2011, tỷ lệ bao phủ khoảng 65% dân số. 2.453 cơ sở KCB đã ký hợp đồng KCB cho người có thẻ BHYT, tăng 6% so với năm 2010. Người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ ở tất cả các tuyến y tế theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và bệnh tật. Năm 2011 đã có 114 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT (8,9 triệu người điều trị nội trú và 105,5 triệu người điều trị ngoại trú) với tần suất KCB bình quân 2,02 lần/người/năm.

 

Có thể nói, những quy định của Luật BHYT cơ bản khắc phục những tồn tại sau 16 năm thực hiện chính sách BHYT, có nhiều điểm đáng ghi nhận. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật đã ban hành khá đồng bộ để các nội dung của Luật đi vào cuộc sống khả thi hơn. Chất lượng của các dịch vụ y tế đã dần dần được cải thiện, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm do mở rộng phạm vi thanh toán, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em…) đều được chăm sóc sức khỏe thông qua Quỹ BHYT. Chính sách BHYT cũng đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe của bản thân…

 

Tồn tại cần khắc phục

 

Thành quả mà BHYT đem lại cho xã hội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo nhận định của bà Tống Thị Song Hương, trong quá trình thực hiện Luật BHYT cũng đang bộc lộ nhiều bất cập và vướng mắc. Trước hết là việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT chưa đạt như mục tiêu đề ra, tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao, cho nên vẫn còn gần 35% số dân chưa tham gia BHYT. Trong số này có cả các nhóm đối tượng phải tham gia BHYT theo lộ trình quy định nhưng không tham gia đầy đủ. Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện cũng gặp nhiều khó khăn do người dân chỉ tham gia khi mắc bệnh mạn tính, có chi phí chữa trị cao.

 

Bên cạnh đó chất lượng KCB nhìn chung còn chưa đáp ứng KCB của nhân dân, nhất là tuyến cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên môn còn hạn chế. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân chưa mặn mà với việc tham gia BHYT. Hầu hết các bệnh viện đều quá tải, nhất là ở tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

 

Theo Tổng GĐ BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng, việc phải thực hiện cùng chi trả (theo các mức 5- 20% tùy theo nhóm đối tượng) và phần chi phí người bệnh phải thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn nếu vượt mức 40% tháng lương tối thiểu đã tạo nên những khó khăn nhất định đến người bệnh, nhất là người nghèo, người mắc các bệnh mạn tính.

 

Quy định hiện nay của Luật BHYT về thanh toán chi phí KCB vượt tuyến từ Quỹ BHYT cũng là nguyên nhân dẫn tới sự quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cũng như làm gia tăng đáng kể chi trả từ quỹ BHYT.  Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra những bất cập trong chính sách về thuốc. Công tác đấu thầu thuốc hiện tại đang làm cho giá thuốc cao, không thống nhất giữa các địa phương và khó quản lý. Danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả quá rộng, mà lại thiếu các hướng dẫn chỉ định điều trị nên không có căn cứ để giám sát quá trình sử dụng thuốc tại bệnh viện.

 

Đặc biệt,  quy định về xã hội hóa, tự chủ tài chính chưa đầy đủ; quy định về đấu thầu, thanh toán thuốc BHYT chưa thống nhất nên gây ra những khó khăn nhất định trong quản lý chi phí KCB bằng BHYT..., ông Hồng cho biết.

 

Sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật BHYT là cần thiết. Tuy nhiên, những quy định mới đưa ra đều phải hướng đến mục tiêu chính là tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng y tế cũng nâng cao hơn thì mới khả thi và đảm bảo tính bền vững, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.