Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Không nên để Bộ Y tế quản lý giá thuốc

10:22, 14/11/2012

Chiều 13/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII.  

Phần lớn các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là những vấn đề được cử tri đăc biệt quan tâm, tập trung vào các nội dung như: trách nhiệm của Bộ trưởng trước những tiêu cực, sai phạm ở một số bệnh viện; việc giáo dục nâng cao y đức; ý thức trách nhiệm nghề nghiệp; việc quản lý tiền chất, dược phẩm yếu kém để lợi dụng sản xuất, điều chế ma túy trái phép; giá viện phí mới quá cao, giá thuốc trong nước cao hơn giá thuốc thế giới nhiều lần; giải pháp để giải quyết các vấn đề trên...

 

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) thẳng thắn nêu vấn đề: Hiện nay giá thuốc ở các bệnh viện mặc dù qua đấu thầu nhưng cao hơn rất nhiều so với thuốc cùng chủng loại được bán trên thị trường. Giá thuốc cao không chỉ gây thiệt hại cho người bệnh, mà còn là một trong các nguyên nhân gây vỡ Quỹ bảo hiểm y tế, lợi nhuận thì rơi vào các công ty dược; Thuốc qua đấu thầu trong bệnh viện lẽ ra phải rẻ hơn thì thực tế lại đắt hơn so với ngoài thị trường là do đâu?

 

Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương), Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ thái độ của ngành đối với việc xử lý nghịch lý cùng một chủng loại, cùng một địa phương nhưng giá thuốc lại chênh lệch lớn, có nơi từ 20 đến 40%, có loại thuốc chênh lệch nhau từ 1 đến 1,5 lần.

 

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, tồn tại những thực trạng trên là do nhiều nguyên nhân gồm: giá thuốc bị đẩy lên cao là do quá trình đi lòng vòng qua nhiều trung gian; có hiện tượng thầy thuốc bắt tay với các hãng dược để kê đơn các loại thuốc biệt dược, thuốc nhập ngoại không cần thiết để hưởng chênh lệch hoa hồng; sai phạm trong quá trình đấu thầu của các bệnh viện có thể cao hơn giá đã niêm yết và giá công khai.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, nguyên nhân cơ bản của việc sai phạm trong đấu thầu giá thuốc tại các bệnh viện là do quản lý nhà nước bởi Thông tư số 10 về quản lý nhà nước từ năm 2007 liên quan đến thuốc có những kẽ hở. Thông tư này không quy định kết quả đấu thầu thuốc phải thấp hơn giá thuốc kê khai niêm yết trước đó.

 

“Việc đấu thầu thuốc, dù là mặt hàng đặc thù nhưng vẫn được dùng chung với các Nghị định về quản lý đấu thầu trang thiết bị, xây dựng và các mặt hàng khác” – Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

 

Bộ trưởng cũng chỉ ra một nguyên nhân sâu xa nữa là ngành y tế là cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, sản xuất, kê đơn chữa bệnh, nhưng đồng thời cũng là cơ quan quản lý giá thuốc dẫn đến nhiều bất cập. “Như vậy thì minh bạch đến đâu cũng là vừa đá bóng vừa thổi còi. Chỉ nên quản lý về chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật để thuốc đến tay người bệnh là được. Còn không nên để chúng tôi tự quản lý giá” – Bộ trưởng đề xuất.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua Bộ đã hết sức nỗ lực để xây dựng Thông tư 01 thay thế Thông tư số 10 bộc lộ nhiều kẽ hở, bất cập này. Quy định mới đã chia cụ thể các nhóm thuốc với xuất xứ khác nhau (xuất xứ châu Âu khác xuất xứ từ châu Á, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…), buộc giá đấu thầu thấp hơn giá kê khai trước đó.

 

Ngoài ra, văn bản hướng dẫn việc mời thầu được thiết kế lại đảm bảo tính khách quan tối đa. Tỷ giá ngoại tệ cũng được quy định rõ ràng để các bên tham gia đấu thầu không thể nhập nhèm biện minh do tỷ giá thay đổi đẩy giá thuốc lên mặc dù thực tế không phải vậy.

 

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, các lãnh sự quán nước ngoài lập danh sách 17.000 loại thuốc để tham khảo giá gốc chuyển về đến cảng và so sánh với giá Việt Nam trong thời gian qua và đưa lên trang Web của Cục Quản lý dược để các bệnh viện tham khảo, chấm thầu.

 

“Quy định mới đã làm những đơn vị muốn gian lận để “ăn” chênh lệch giá rất khó khăn, vướng" – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, các giải pháp dù khá mạnh dạn nhưng vẫn chưa phải là đột phá vì vẫn không minh bạch được mọi khâu. Tương lai Luật Dược (sửa đổi) đang xây dựng hướng tới quy định thuốc là mặt hàng thiết yếu (cũng như xăng dầu) cần phải có bộ chuyên ngành quản lý giá (Bộ Tài chính) đảm nhiệm.

 

Cũng liên quan đến trách nhiệm quản lý thuốc, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thông tin vừa qua lượng nhập khẩu tiền chất PSE để sản xuất thuốc trị cảm cúm tăng cao bất thường đi kèm với hiện tượng ma túy đá bùng phát, xuất hiện tràn lan ngoài thị trường. Tiền chất này cũng là nguyên liệu để “chế” ma túy đá. Đại biểu dẫn tên một doanh nghiệp ở TPHCM đã nhập PSE với số lượng vượt bình thường đến 4-5 lần và truy vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, sao không có bệnh dịch đột biến mà lại cấp phép nhập thuốc lớn bất thường như vậy?

 

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế đồng tình với phân tích của đại biểu về nguy cơ tiền chất PSE để sản xuất thuốc cảm cúm có thể bị lợi dụng để chế biến thành ma túy đá. Bộ trưởng cũng cung cấp thêm thông tin, vừa qua, lực lượng Công an đã phá một số vụ án ở Nghệ An, Thanh Hóa, thu gom được lượng lớn thuốc cảm cúm với tiền chất này để chế ma túy đá.

 

Tháng 8/2011 có loạt đơn của 8 doanh nghiệp tố cáo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập số lượng PSE lớn, có ưu đãi cho một công ty tư nhân đóng tại TPHCM. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, qua thanh tra không phát hiện sai phạm, tiêu cực trong vụ việc này. Thanh tra Chính phủ, C56 – Bộ Công an cũng vào cuộc thanh kiểm tra và đều kết luận tương tự.

 

“Đây là vấn đề nghiêm trọng. Không thể nói Bộ Y tế buông lỏng quản lý việc này. Chúng tôi còn sẵn sàng đề nghị Bộ Công an, UBND TPHCM giám sát, điều tra nếu có dấu hiệu, chứng cứ về sai phạm. Nếu phát hiện bệnh thì phải chữa, kể cả ung thư, phát hiện sớm được thì “cắt” hẳn, thà một lần đau” – Bộ trưởng quả quyết không bao che cho Cục quản lý dược cũng như các bên liên quan.

 

Liên quan đến việc tăng giá viện phí, dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phân tích sự cần thiết thay đổi giá viện phí. Bộ trưởng cho rằng, mức lương đã tăng 8-7 lần, thu nhập bình quân của người dân đã nâng từ mức vài triệu đồng giờ đã hơn 1000 USD/năm, trượt giá cũng tới 34% mà giá viện phí vẫn “dậm chân”. Vì vây, tăng giá, người bệnh được lợi vì chất lượng khám chữa bệnh cải thiện, người nghèo được trợ giúp nhiều hơn, ngành y tế cũng hạn chế được tiêu cực…

 

Bộ trưởng chỉ ra, mức giá quy định trước đây quá thấp và lỗi thời vô hình chung làm người bệnh khổ rất nhiều, dẫn đến người bệnh không muốn tham gia BHYT. Bởi với mức thu giá dịch vụ quá thấp, nên có những loại bệnh nếu theo mức chi của bảo hiểm không thể đủ, bệnh nhân vẫn phải đóng thêm. Khi tăng giá viện phí, gần như người bệnh sẽ không phải đóng thêm nữa. Do đó, với những đối tượng mà xã hội vẫn quan tâm nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn… sẽ không bị ảnh hưởng khi giá dịch vụ tăng.

 

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, việc điều chỉnh giá sẽ giúp các đơn vị này có điều kiện tăng thêm chất lượng khám chữa bệnh cũng như nguồn thu: “Nhiều lãnh đạo Bệnh viện đã nói nếu Bộ trưởng không thay đổi giá dịch vụ thì bệnh viện công sẽ không còn tồn tại được…. Mỗi lần tăng lương là họ bạc đầu, ảnh hưởng đến chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh, thậm chí cả y đức” – Bộ trưởng chia sẻ.

 

Tuy nhiên, tăng giá viện phí có đi kèm với việc thay đổi chất lượng khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận phải… từ từ, cải thiện dần từng bước.

 

Trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận rất nhiều câu hỏi gay gắt, truy vấn về y đức, về mất cân bằng giới tính, về thuốc đông y kém chất lượng, các tiêu cực tồn tại trong ngành y...