Cần kiểm soát chặt chẽ, chống nhập lậu gia cầm

08:38, 19/11/2012

Thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc với diễn biến phức tạp của tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm từ biên giới vào nội địa, thực tế này đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác kiểm tra, kiểm soát gia cầm nhập lậu chưa thực sự đem lại hiệu quả…  

 

Gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp

 

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay gia cầm được nhập lậu vào nước ta đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là gia cầm từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 2.735 tấn thịt lợn và 52.586 tấn thịt gà các loại, trong đó có 6.147 tấn là gà thải loại nhập từ Hàn Quốc, chiếm 11,7% tổng số gà nhập khẩu. Các chủng loại nhập lậu bao gồm gà đẻ loại thải, gà con giống 1-15-21 ngày tuổi, vịt choai để nuôi thịt, trứng giống, trứng ấp gần nở và nội tạng...

 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số nhập khẩu chính ngạch, còn con số nhập lậu gia cầm hàng ngày qua các tỉnh biên giới có lẽ lớn hơn nhiều. Đáng chú ý nhập lậu gia cầm diễn ra mạnh nhất ở các tỉnh biên giới, trong đó điển hình là tại cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Theo thống kê, bình quân mỗi năm, gà đẻ loại thải nhập lậu vào Việt Nam có thể từ 70 đến 100 nghìn tấn và khoảng 15- 30 triệu con gia cầm giống thương phẩm các loại. Đặc biệt vào thời kỳ cao điểm, lượng nhập lậu gia cầm có thể lên tới 100- 200 tấn/ngày khiến cho việc kiểm soát vô cùng khó khăn.

 

Việc nhập lậu các loại gà thải loại không chỉ gây khó khăn và thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi trong nước mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cục Thú y cho biết từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 296 xã của 121 quận, huyện thuộc 32 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh bị chết và tiêu hủy là 616.109 con. Trong đó có 117.946 con gà (chiếm 19,14%), 479.859 con vịt (chiếm 77,89%) và 18.304 con ngan (chiếm 2,97%).

 

Cũng theo Cục Thú y, từ năm 2008 đến năm 2012 trung bình mỗi năm có khoảng 58 huyện/25 tỉnh có dịch cúm gia cầm. Năm nay, số gia cầm mắc bệnh, chết tăng cao đột biến chủ yếu là vịt, ngan. Virus cúm gia cầm lây lan và có sự biến đổi nhanh là do việc nhập lậu gia cầm bùng phát mạnh trong thời gian gần đây. Vì vậy, để có thể hạn chế dịch bệnh đòi hỏi cần tăng cường công tác phòng chống gia cầm nhập lậu từ biên giới.

 

Bên cạnh sự gia tăng của dịch bệnh đã khiến không ít người nuôi phải bỏ nghề và vì thế ngành chăn nuôi cũng lại càng trở nên khó khăn hơn. Theo Cục Chăn nuôi Việt Nam, năm nay là năm khó khăn nhất đối với ngành chăn nuôi Việt Nam bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi dịch bệnh vẫn xảy ra trên diện rộng, cộng thêm sự cạnh tranh giá rẻ của già nhập lậu đang khiến ngành chăn nuôi rơi vào cảnh điêu đứng. Số lượng đàn gia súc, gia cầm đều giảm, hiện cả nước hiện có 26,8 triệu con heo (giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2011); 330 triệu con gia cầm và số đàn trâu bò đạt 8 triệu con (giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2011). Sản lượng thịt ước đạt từ 3,25 - 3,3 triệu tấn, tương đương 2,23 - 2,26 triệu tấn thịt xẻ, bằng 78% so với cả năm 2011.

 

Trước thực tế này, để ngành chăn nuôi có thể phát triển một cách ổn định thì vấn đề về triển khai tốt công tác kiểm tra, phòng chống buôn bán gia cầm lậu là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Thực tế, thời gian qua các địa phương còn quản lý lỏng lẻo, có nhiều kẽ hở để thương lái lách luật nên muốn giải quyết tận gốc vấn đề này đòi hỏi phải có kiểm soát chặt và phương án xử lý nghiêm ngặt hơn.

 

Tăng cường các giải pháp để kiểm soát gia cầm nhập lậu

 

Việc nhập lậu gia cầm qua biên giới không được kiểm dịch đã gây tác hại rất lớn đối với ngành chăn nuôi nước ta, không chỉ khiến dịch bệnh lây lan nhanh mà còn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát liên ngành kiên quyết xử lý, tịch thu phương tiện vận chuyển gia cầm nhập lậu, tiêu huỷ và xử phạt nặng các trường hợp buôn lậu, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm.

 

Tại buổi làm việc với các Bộ, ngành để nghe báo cáo đề án về công tác ngăn chặn gia cầm không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhập lậu vào nước ta mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu từng ban, ngành ở địa phương phải chỉ rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này, cần nâng cao trách nhiệm của các tỉnh biên giới trong việc kiểm soát việc nhập lậu gia cầm vào Việt Nam. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền tại các khu vực biên giới để nhân dân ủng hộ và phát hiện ngăn chặn gà nhập lậu.

 

Phó Thủ tướng lưu ý trước ngày 30/11/2012, Bộ Công Thương hoàn thành Đề án phòng về các phương án ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhập lậu vào Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 

Thực tế tình trạng nhập lậu gia cầm hoàn toàn có thể giải quyết được chỉ có điều các địa phương có làm quyết liệt hay không mà thôi, vì thế đã đến lúc cần có cơ chế, chính sách để ngăn chặn thương mại gia cầm bất hợp pháp vào Việt Nam, nên chăng cần có cơ chế cho lực lượng chống buôn lậu và các lực lượng liên qua để khuyến khích họ hoạt động trong lĩnh vực này.

 

Song song với đó, cần phải khuyến khích ngành chăn nuôi đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung cho thị trường nội địa, khi nguồn cung đã ổn định và dư thừa sẽ hạn chế được tình trạng nhập lậu gia cầm.

 

Ngoài ra, cần tăng cường các chốt kiểm dịch, hình thành các đội tuần tra lưu động, phát hiện kịp thời việc vận chuyển gia cầm trái phép gia cầm nhập lậu để xử lý tận gốc. Cùng với đó, kiểm tra việc chấp hành công tác kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Thường xuyên kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gia súc, gia cầm. Vận động nhân dân chấp hành đầy đủ các quy định về phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, tuyệt đối không được giấu dịch và thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi...