Cần tiệm cận “sân chơi” chuyên nghiệp

08:37, 15/11/2012

Trao đổi về tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Với quy mô nhỏ, kiến thức du lịch hạn chế, chiến lược kinh doanh ngắn hạn… đã và đang khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn khó có thể làm du lịch theo kiểu chuyên nghiệp. Cải thiện vấn đề này tuy không dễ nhưng không phải không làm được.

Theo số liệu thống kê 10 tháng qua, ngành du lịch lữ hành của tỉnh đạt doanh thu 16,8 tỷ đồng và chỉ chiếm 0,14% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng chỉ đạt trên 794 tỷ đồng, chiếm khoảng 7%. Như vậy, doanh thu của ngành du lịch còn ở mức khá khiêm tốn.

 

Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch tỉnh thì trong thời điểm khó khăn hiện nay, tâm lý của khách du lịch cũng thay đổi. Trước đây, khi kinh tế ổn định, các gia đình, cơ quan, đơn vị không phải lo lắng nhiều đến việc cắt giảm chi tiêu thì nhu cầu đi du lịch rất cao, tâm lý của du khách cũng dễ dãi hơn. Nhưng ở thời điểm hiện nay, việc đi đâu, ăn gì, ngủ thế nào, chất lượng ra sao lại được các du khách tính toán, lựa chọn rất kỹ lưỡng với phương châm rẻ mà vẫn chất lượng. Nhiều khi doanh nghiệp du lịch sắp đặt lịch trình xong xuôi, nhưng khách lại báo hoãn vì kinh phí eo hẹp hoặc lấy lý do có việc đột xuất... Trước thực tế đó, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp làm du lịch lại càng gay gắt hơn.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp làm du lịch của tỉnh ta đang thiếu rất nhiều thứ, trong đó đáng chú ý nhất là thiếu tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây được xét trên tất cả các mặt từ ý thức, trách nhiệm của người làm du lịch đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên phục vụ. Về hoạt động lữ hành, hiện Thái Nguyên có trên 10 doanh nghiệp tham gia, nhưng chủ yếu là bán chuyên nghiệp, phục vụ theo từng mảng chứ chưa đảm trách được toàn bộ dịch vụ lữ hành. Các đơn vị này, hoặc là chỉ cho thuê xe đi du lịch khi du khách có nhu cầu và phải tự lo địa điểm, chỗ ăn, ngủ, nghỉ, hoặc là chỉ đảm bảo việc kết nối các tua, tuyến chứ không có hướng dẫn viên, thuyết minh viên hay người phục vụ. Trường hợp phục vụ “trọn gói” cho du khách chỉ có một hai đơn vị làm được. Có thể kể tên một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành của tỉnh hiện nay như: Công ty Khách sạn – Du lịch Dạ Hương, Công ty Phú Thái Hà, Công ty Du lịch Á Đông, Công ty TNHH Du lịch Sao Phương Đông, Công ty CP Thương mại Du lịch Sơn Đông Á, Doanh nghiệp Khánh Thịnh…  

 

Về dịch vụ khách sạn, nhà hàng, chúng ta có số lượng đơn vị tham gia lên tới cả trăm, nhưng quy mô thường nhỏ, phẩm cấp dịch vụ trung bình. Du khách đến với Thái Nguyên, để tìm một khách sạn, nhà hàng thực sự sang trọng, có đội ngũ lễ tân, phục vụ chuyên nghiệp quả không phải dễ. Điểm mặt hiện nay, chúng ta thấy có một số khách sạn, nhà hàng quen thuộc là Khách sạn Thái Nguyên, Khách sạn Dạ Hương, Khách sạn Du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc, Khách sạn – Nhà hàng Hải Âu, Khách sạn Cao Bắc, Hoàng Đế, Đông Á, ASEAN… Tuy nhiên, theo phân định của ngành Du lịch thì trong những nhà hàng, khách sạn trên chưa có tên tuổi nào nằm ở vị trí hạng sang.  

 

Hiện tại chỉ có một vài doanh nghiệp hoạt động du lịch được xem là khá bài bản, trong đó nổi trội nhất cả về mảng lữ hành lẫn khách sạn, nhà hàng phải kể đến là Công ty Khách sạn – Du lịch Dạ Hương. Doanh nghiệp này là đơn vị duy nhất trong tỉnh được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nên có thể tổ chức các tua du lịch đi tất cả các nước trên thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng rất quan tâm đến nâng cao chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ nên lượng khách đi tua cũng như đến nghỉ tại Khách sạn Dạ Hương trong năm 2012 vẫn tăng trưởng đều. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã thực hiện đưa đón 228 đoàn đi tua với gần 7.000 lượt du khách, trong đó có trên 30 đoàn đi du lịch quốc tế.

 

Ông Đỗ Trọng Hiệp trăn trở: Trên địa bàn tỉnh có Trường cao đẳng đào tạo về du lịch, rồi Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên đều có Khoa Du lịch và bộ môn Kinh tế du lịch, nhưng thực tế chúng ta lại đang thiếu nhân lực bài bản để làm du lịch. Nhân viên du lịch có trình độ ngoại ngữ, am hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc, vùng miền đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch của tỉnh còn rất ít; sự khéo léo, duyên dáng trong ứng xử, giao tiếp của hướng dẫn viên, thuyết minh viên chưa nhiều. Sự thiếu hụt này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đãi ngộ chưa thỏa đáng của các doanh nghiệp làm du lịch đối với nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ. Thường thì sau mỗi khóa đào tạo, các khách sạn, nhà hàng lớn ở Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận đã về tận các trường để tuyển và nhận nhân viên với mức lương hấp dẫn cộng với các điều khoản mở. Điều đó ít có doanh nghiệp du lịch nào của Thái Nguyên làm được.

 

Cũng theo ông Hiệp, thời gian qua nhằm cải thiện tình hình, Hiệp hội Du lịch của tỉnh đã cùng với các đơn vị làm du lịch rất nỗ lực thực hiện các biện pháp cụ thể. Trong đó có việc mở các lớp đào tạo nghiệp vụ cho các nhân viên làm du lịch theo nhu cầu trên cơ sở kết nối với các điểm du lịch cụ thể để sau đó phục vụ chính các điểm du lịch này. Trước đây, cơ bản lái xe đi tua, tuyến du lịch thường chỉ biết nhiệm vụ duy nhất là làm tài xế, nhưng nay qua các lớp đào tạo, khi cần họ đã có thể là hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Các lễ tân, phục vụ buồng, phòng, các hướng dẫn viên, thuyết minh viên trước đây chưa được đào tạo bài bản, hoặc thiếu kiến thức thực tế, thì qua các lớp bồi dưỡng cũng có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích để dần hoàn thiện kỹ năng làm du lịch bản thân. Bắt đầu từ mùa du lịch tới, Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp làm du lịch đăng ký lượng du khách mà đơn vị sẽ phục vụ trong năm, để từ đó tạo thói quen làm du lịch chuyên nghiệp cũng như góp phần xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Bởi khi dự tính được lượng khách mình sẽ phục vụ thì bản thân doanh nghiệp đó phải tích cực mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ...

 

 

Ông Hoàng Văn Quý, Thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh: Hầu hết các doanh nghiệp làm du lịch của chúng ta khó khăn về tài chính, nhất là các đơn vị mới vào nghề, đang đầu tư. Theo tôi, tỉnh cũng nên xem xét xây dựng Quỹ hỗ trợ vốn ưu đãi, nhằm giúp các đơn vị thực sự khó khăn hoặc đang có hướng đầu tư phát triển.

 

Bà Đàm Kim Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sao Phương Đông: Theo tôi, doanh nghiệp du lịch muốn phát triển theo hướng chuyên nghiệp trước hết phải quan tâm đến đào tạo, thu hút nhân viên du lịch có trình độ, tâm huyết. Tiếp đó phải biết cải thiện các sản phẩm du lịch, tránh sự nghèo nàn, đơn điệu hoặc cóp nhặt. Công tác tiếp thị bán hàng cũng như quảng bá du lịch cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa. Tính hấp dẫn trong các hoạt động tại điểm du lịch cũng phải được tăng cường…