‘CSGT có tiêu cực, nhưng tham nhũng thì cần xem lại’

16:04, 22/11/2012

Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng, “CSGT chỉ dừng lại ở tiêu cực, đặt vấn đề tham nhũng hay là trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao thì cần có nghiên cứu thấu đáo hơn”.

Ngày 20/11 vừa qua, khảo sát sát xã hội học với đề tài “Tham nhũng nhìn từ góc nhìn của công chức, người dân và doanh nghiệp” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới phối hợp điều tra đã công bố kết quả. Theo đó, bốn ngành, lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Ngược lại, bốn ngành, lĩnh vực ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.

 

Với cảnh sát giao thông, hành vi được coi là tham nhũng là nhận tiền và không xử phạt lỗi vi phạm của người tham gia giao thông.

 

Nói về việc CSGT đứng đầu trong danh sách bốn ngành, lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất theo khảo sát trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng: “Theo tôi, vấn đề tiêu cực trong lực lượng CSGT không phải bây giờ mới đặt ra. Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Đại Quang đã trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội. Nói đến CSGT, theo tôi, tiêu cực vẫn còn. Nhưng chỉ dừng lại ở tiêu cực chứ đặt vấn đề tham nhũng hay là trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao theo tôi cần có nghiên cứu thấu đáo hơn. Ngay tác giả báo cáo điều tra xã hội học này cũng cho rằng kết quả chỉ mang tính tham khảo không phản ánh thực tiễn”.

 

Phát biểu trên được thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên đưa ra trong buổi giao lưu trực tuyến ngày 22/11 do báo Công an Nhân dân Online tổ chức.

 

Cũng tại buổi giao lưu trên, một số câu hỏi được đặt ra là thời gian qua, có dư luận cho rằng quy định của Bộ Tài chính để lại số tiền phạt cho CSGT là tương đối cao; việc tăng mức phạt theo Nghị định 71 có đem lại quyền lợi cho CSGT hay được sử dụng như thế nào?

 

Trả lời nội dung này, thiếu tướng Tuyên cho biết: Theo Thông tư 89 của Bộ Tài chính thì tiền phạt thực hiện qua đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các địa phương sẽ chuyển hết cho địa phương. Thông tư này quy định rất rõ lực lượng công an tỉnh, thành phố đó được sử dụng 70% và bồi dưỡng cho các đồng chí trực tiếp làm nhiệm vụ với mức thấp nhất là 700.000đ, cao nhất là 1,5 triệu đồng. Số còn lại được sử dụng để mua phương tiện, xăng dầu, thiết bị khác để phục vụ trở lại cho công tác đảm bảo ATGT.

 

“Việc tăng mức phạt để tăng thu nhập cho CSGT là không có vì mức cao nhất đã được quy định là 1,5 triệu đồng”, thiếu tướng Tuyên khẳng định.

 

Về việc Đà Nẵng bồi dưỡng thêm cho CSGT 5 triệu đồng, thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Lực lượng CSGT hoan nghênh việc các địa phương hỗ trợ CSGT. Trong điều kiện hết sức khó khăn mà CSGT phải hứng chịu như thời tiết, ô nhiễm, chống người thi hành công vụ… và phải gắn với các tuyến đường là rất vất vả. Tôi ủng hộ việc tăng thu nhập chính đáng cho CSGT để họ có thể thực hiện nhiệm vụ một cách tốt hơn. Còn các địa phương không có điều kiện thì cũng không bắt buộc làm việc đó”.