Mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Trong thời gian qua, thông tin cảnh báo về tình trạng thịt bẩn, rau, quả nhiễm hóa chất bảo quản độc hại... diễn ra thường xuyên khiến dư luận không khỏi lo lắng. Và, khi lo lắng luôn thường trực đã khiến người dân ngày càng mất niềm tin vào sự an toàn đối với tất cả các loại thực phẩm.
Hiện nay, nhiều loại hóa chất như: Thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, thuốc kích thích sinh trưởng, phẩm màu… ngày càng đa dạng và phong phú. Không ít người sử dụng thuốc không đúng khiến cho những tồn dư độc hại trong thực phẩm tăng cao, đe dọa đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, một lượng lớn thực phẩm hư hỏng hàng ngày được đưa vào Việt Nam và được “phù phép” thành thực phẩm tươi để tiêu thụ. Chính những điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm và làm mất dần niềm tin của người tiêu dùng vào vấn đề về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, những kết luận mới đây của ngành nông nghiệp về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với rau ăn sống, thịt lợn, thịt gà… cho thấy, người dân không nên quá hoang mang trước nhiều thông tin khác nhau về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kết quả kiểm tra một số mẫu rau ăn sống, mực khô trong tháng 10 và 11, hầu hết các mẫu kiểm tra đều đạt mức an toàn. Cụ thể, theo kết quả kiểm tra 50 mẫu rau ăn sống (xà lách, rau diếp, rau húng và rau mùi) được kiểm nghiệm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, các mẫu đều đáp ứng quy định an toàn các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng. Trong đó, 21 mẫu (chiếm 42%) không phát hiện thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 29 mẫu phát hiện lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng ở mức an toàn; 20 mẫu phát hiện có kim loại nặng nhưng thấp hơn mức giới hạn tối đa. Đối với mực khô, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản đã tiến hành phân tích 54 mẫu đều không phát hiện nhiễm vi sinh vật gây bệnh Salmonella.
Về những thông tin đối với việc có thuốc an thần (Prozil) trong thịt lợn, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều sản phẩm thịt lợn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và không phát hiện thấy có thuốc an thần (Prozil). Cụ thể, kết quả giám sát 5 mẫu thịt lợn tươi sống lấy tại thành phố Hồ Chí Minh (chợ Hưng Phú; quầy hàng thuộc phường 2, phường 6, Quận 8) không phát hiện thấy có Prozil.
Hiện để đảm bảo an toàn và sức khỏe người tiêu dùng cũng như đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo đơn vị liên quan tiến hành kế hoạch giám sát đột xuất hàm lượng Prozil trong các mẫu thịt lợn tươi sống, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Mới đây nhất, sau những thông tin gà nhập khẩu Hàn Quốc là gà thải loại, các công ty xuất khẩu gà Hàn Quốc và đơn vị nhập khẩu gà tại Việt Nam đã khẳng định: Gà Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là loại gà già, đã qua khai thác đẻ trứng, được nuôi từ 1 – 1,5 năm và trải qua một số lần đẻ trứng.
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển) cho biết, bình quân mỗi năm, Hàn Quốc sản xuất và tiêu thụ số lượng gà già vào khoảng 27 triệu con, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam là thị trường chính tiêu thụ loại gà này. Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2012, đã nhập khẩu 6.147 tấn gà từ Hàn Quốc, chiếm 11,7% tổng lượng thịt gà nhập khẩu.
Những kết quả trên đây cho thấy, việc cảnh báo sự nguy hại đối với thực phẩm là điều cần thiết song trước những thông tin đưa ra, người dân cần phải trở thành những người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn những thông tin chính xác cho mình. Còn đối với các đơn vị chức năng, cần chủ động hơn trong tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm, tránh để người dân bị “nhiễu” thông tin dẫn đến thiệt hại về kinh tế và gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.