Khống chế thù lao đại lý xăng dầu được cho là giải pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng loạn chi hoa hồng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, công ty SaigonPetro vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính hủy bỏ quy định này.
Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo sửa đổi Thông tư 234/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trong đó, điểm nổi bật nhất là cơ chế thù lao đại lý xăng dầu sẽ được kiểm soát chặt chẽ bằng việc áp mức trần. Theo đó, chi phí kinh doanh do Bộ Tài chính công bố và mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý chỉ được phép bằng 50% mức chi phí kinh doanh này. Tuy nhiên, quy định này đã bị Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) phản đối.
Tại văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, SaigonPetro cho hay, Thông tư sửa đổi chỉ quy định phạm vi đối tượng là Quỹ bình ổn xăng dầu nhưng các điều khoản nội dung cụ thể lại quy định cả về chi phí kinh doanhvà lợi nhuận định mức. Đây là những yếu tố hình thành giá cơ sở, làm căn cứ điều hành tăng giảm giá xăng dầu và bình ổn giá xăng dầu của Liên Bộ.
Bên cạnh đó, cơ chế kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP là thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, thương nhân đầu mối tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy, không thể quy định cụ thể về thù lao dành cho tổng đại lý, đại lý tương tự như thời kỳ Nhà nước bù lỗ xăng dầu những năm 2004 - 2008 theo Quyết định 187/2003/QĐ-TTg.
Nếu quy định cụ thể khống chế thù lao xăng dầu thì sẽ phải có thanh kiểm tra các thương nhân đầu mối về việc tuân thủ theo quy định, như vậy, sẽ làm mất nhiều thời gian, công sức không cần thiết của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như của thương nhân đầu mối. Vì vậy, Saigon Petro đã đề nghị Bộ Tài chính cần hủy bỏ điều khoản trên.
Liên quan tới vấn đề này, Tập đoàn Petrolimex lại bày tỏ quan điểm ủng hộ. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng các DN nhỏ, cố tình đẩy hoa hồng lên cao để chiếm thị phần, gây cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ Công Thương góp ý cho Bộ Tài chính cũng đồng tình giải pháp khống chế mức trần hoa hồng, nhưng đề nghị bổ sung thêm giải pháp khống chế mức "sàn" hoa hồng, có thể bằng 30% chi phí kinh doanh định mức.