"Dở khóc dở cười” dán tem lên rau an toàn

09:42, 08/11/2012

Việc dán một con tem lên mớ rau, tưởng không có gì phải thành chuyện, thế nhưng triển khai trên thực tế  lại phát sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội thậm chí đã có một “tổng kết” về vấn đề này.

Theo “tổng kết” của cơ quan chức năng: tập quán canh tác của người dân đa phần thu hoạch rau lúc chiều muộn nên công việc gắn nhãn bị cập rập; việc gắn nhãn thường tập trung tại đầu bờ các ruộng rau thu hoạch nhưng đội ngũ cán bộ gắn tem lại ít; trong khi,  cách thức gắn tem lại mất nhiều công sức, thời gian (kẹp vào quai túi, dán tem chống vỡ)… Rắc rối là thế, nhưng tem lại chỉ dán vào rau bán buôn, cho nên đến khi phân phối đến tay người tiêu dùng thì tem đã đi đường tem, rau đi đường rau.

 

Khi mà người tiêu dùng đang gặp khó khăn trong việc phân biệt rau độc và rau sạch, thì con tem bảo đảm của một cơ quan có thẩm quyền dĩ nhiên rất được kỳ vọng. Thế nhưng, giải bài toán này cũng rất đau đầu.

 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề xuất nghiên cứu thêm về thiết kế tem nhãn để dễ gắn, đảm bảo độ bền của tem. Đặc biệt, nên có lộ trình chuyển giao việc gắn nhãn, trao “quyền và trách nhiệm” cho thương lái và chủ hộ trồng rau. “Nếu việc này giao hết cho cán bộ của HTX thì sẽ gây khó khăn cho lực lượng này”, ông Tiệp nhận định.

 

Chương trình gắn nhãn rau an toàn nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội. Thỏa thuận này đặt mục tiêu giúp phân định được rau từ cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện, được kiểm soát quá trình sản xuất rau an toàn (RAT) với rau từ cơ sở chưa được chứng nhận đủ điều kiện, chưa được kiểm soát quá trình sản xuất RAT; quảng bá sản phẩm rau từ cơ sở sản xuất RAT đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm và đem lại lợi ích cho các cơ sở sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng; truy xuất được nguồn gốc xuất xứ rau… Hiện tại chương trình đã triển khai được 1 năm.

 

Mô hình thí điểm được triển khai tại xã Văn Đức (Gia Lâm) trên diện tích 250 ha, với tổng số 1.000 hộ tham gia sản xuất rau. Doanh nghiệp liên kết tiêu thụ là Công ty TNHH Hương Cảnh. Quá trình triển khai thí điểm cho thấy: sản lượng rau bán buôn qua các chủ ô tô, xe máy chiếm khoảng 90% sản lượng vùng rau, tương đương 35-40 tấn/ngày, trong đó lượng rau được gắn nhãn nhận diện khoảng 25-30 tấn/ngày (đạt 70-75%).

 

Sản phẩm rau sau khi gắn nhãn đã được tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và các tỉnh khác. Phần lớn các chủ buôn rau nhận xét, rau gắn nhãn bán thuận lợi, nhanh hơn do người mua yên tâm về chất lượng.

 

Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết thêm:  sản phẩm RAT gắn nhãn được người tiêu dùng đánh giá cao, thể hiện qua việc giá rau luôn cao hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường (từ 500-1.000 đồng/kg).

 

Từ thông tin trên nhãn tem, người tiêu dùng, các nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh đã liên hệ để đặt hàng mua rau tại HTX Văn Đức. Vị này khẳng định: bước đầu mô hình đã có sự cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo lòng tin cho người tiêu dùng mua được RAT có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng.

 

Theo kế hoạch, từ năm 2014 trở đi, Chương trình thí điểm kiểm soát theo chuỗi - từ cơ sở sản xuất RAT đến nơi tiêu thụ - sẽ quy định việc gắn nhãn, dán tem nhận diện RAT là yêu cầu bắt buộc nhằm phục vụ công tác quản lý. Nhưng như những gì đang diễn ra trên thực tế, nhiều người hài hước đặt câu hỏi: Không lẽ tem an toàn mà cứ phát búa xua như giấy lộn, hoặc không lẽ ách rau lại để từ tốn dán tem?.