Đối thoại để gần dân hơn

09:28, 05/11/2012

Cán bộ tăng cường xuống cơ sở nắm tình hình, trực tiếp đối thoại với người dân để giải quyết khúc mắc là cách Đảng bộ thị trấn Đu (Phú Lương) đang tích cực thực hiện. Đây cũng là “liều thuốc” hiệu quả nhằm “chữa” bệnh quan liêu, xa quần chúng của một số đảng viên hiện nay.

Chúng tôi đến làm việc tại thị trấn Đu gặp cuộc họp của lãnh đạo Đảng ủy, UBND và các đoàn thể rút kinh nghiệm việc xây dựng công trình Trạm Y tế. Đây là dự án có nhiều vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân liên liên quan nhưng đến nay đã được giải quyết xong. Buổi họp đã rút ra kinh nghiệm, đối với những thắc mắc, khiếu kiện của công dân, đặc biệt là vấn đề đất đai cần xác định biện pháp giải thích, thuyết phục trên cơ sở pháp luật là quan trọng nhất. Sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, mà trực tiếp là lãnh đạo thị trấn để đối thoại, trả lời nhân dân là yếu tố quyết định thành công.

 

Được biết, Dự án Trạm Y tế thị trấn Đu có tổng mức đầu tư là hơn 2 tỷ đồng do Tổ chức Atlantics tài trợ. Dự kiến công trình phải hoàn thành vào đầu năm 2013. Thế nhưng, việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn vì một số hộ dân không đồng ý về mức đền bù. Để từng bước tháo gỡ, cán bộ thị trấn đã nhiều lần xuống cơ sở để trao đổi, tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Theo phiếu đăng ký, ngày 24/10, lãnh đạo thị trấn gồm Bí thư Đảng ủy Hà Long Thủy, Chủ tịch UBND Nguyễn Quế Sơn, cùng cán bộ tư pháp và địa chính đã trả lời những thắc mặc, kiến nghị của ông Nguyễn Bá Toản, hộ dân có đơn kiến nghị về việc mất đất ở tiểu khu Lê Hồng Phong. Tại buổi làm việc, lãnh đạo thị trấn đã giải thích cho ông Toản hiểu việc thu hồi đất để xây dựng Trạm Y tế là đúng theo chủ trương và quyết định của UBND tỉnh. Bản thân gia đình ông Toản và 16 hộ còn lại (trong vùng quy hoạch khu dân cư và trạm y tế) cũng đã nhận đủ tiền đền bù theo quy định. Việc đòi đền bù thêm 160m2 của gia đình ông Toản là không có cơ sở. Nghe phân tích thấu đáo, ông Toản đã hiểu và chấp nhận ban giao mặt bằng. Chính vì vậy, Lễ động thổ công trình vào ngày 26/10 đã diễn ra thuận lợi, an toàn.

Đồng chí Vũ Thái Long, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: Lãnh đạo tiếp và trả lời công dân vào thứ 4 và thứ 6 hàng tuần đã được thị trấn thực hiện đều đặn nhiều năm nay. Người dân khi có kiến nghị, thắc mắc về cơ chế, chính sách hay quyết định của địa phương sẽ đăng ký trước thời gian, nội dung và người cần gặp trực tiếp. Trên cơ sở nội dung đăng ký, cán bộ thị trấn sẽ chuẩn bị trước những tài liệu liên quan để trả lời. Buổi tiếp dân sẽ được ghi biên bản đầy đủ, có chữ ký của các bên liên quan. Nếu công dân chưa thỏa mãn với trả lời của cán bộ cơ sở, họ có thể yêu cầu, kiến nghị lên các cấp cao hơn. Trực tiếp xem biên bản các buổi tiếp công dân, chúng tôi thấy cán bộ thị trấn đã trả lời thấu đáo nhiều vấn đề phức tạp. Đó là trả lời bà Trần Thị Minh Châu, tiểu khu Thái An về việc lấy đất của gia đình bà tại đồi Đồng Kho để xây dựng Trường Mầm non; bà Nguyễn Thị Lục, tiểu khu Cầu Trắng về việc giải quyết tiền thừa một số công trình xây dựng ở tiểu khu… Với những trường hợp kiến nghị của tập thể, lãnh đạo thị trấn sẽ tổ chức đối thoại, trả lời công dân ngay tại cơ sở. Có thể kể đến việc đối thoại của lãnh đạo thị trấn với nhân dân tiểu khu Cầu Trắng về vấn đề quyết toán công trình nhà văn hóa (năm 2010); đối thoại với các tiểu thương ở chợ Đu về cơ chế chính sách và giá thuê mặc bằng… Theo thống kê, mỗi năm cán bộ thị trấn Đu đã trực tiếp trả lời hàng trăm ý kiến của người dân.

 

Bên cạnh đối thoại, Đảng ủy, UBND thị trấn đã xây dựng quy chế làm việc, yêu cầu cán bộ tăng cường xuống cơ sở để tìm hiểu thực tế. Theo đó, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phải xuống cơ sở ít nhất một tháng một lần; cán bộ chuyên môn một quý một lần; các Ủy viên Ban Chấp hành đều phụ trách một địa bàn, nhóm tổ dân phố; các đảng viên định kỳ báo cáo tình hình cơ sở trong các buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Để quy chế này thực hiện nghiêm túc, Đảng ủy đã thành lập tổ kiểm tra đột xuất tại cơ sở để tìm hiểu nội dung làm việc và ý kiến nhận xét của nhân dân đối với cán bộ. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Chi bộ tiểu khu Thác Lở nhận xét: Ủy viên Ban Chấp hành thị trấn được phân công phụ trách tiểu khu định kỳ dự họp với chi bộ, ngoài ra cán bộ địa chính và công an thường xuyên bám cơ sở. Điều này giúp chúng tôi kịp thời phản ánh tình hình và kiến nghị với chính quyền”.

 

Trong buổi làm việc tại trụ sở Đảng ủy, UBND thị trấn Đu, điều chúng tôi cảm nhận được là thái độ niềm nở, nhiệt tình của cán bộ khi tiếp công dân. Bộ phận “một cửa” niêm yết công khai thủ tục tiếp nhận và trả kết quả, ghi rõ thời gian, mức phí cũng như hướng dẫn thực hiện. Các phòng như công an, tư pháp, địa chính… đều dán lịch trực tại cửa để công dân tiện theo dõi. Đặc biệt, tất cả các phòng ban đều mở rộng cửa khi làm việc. Đồng chí Hà Long Thủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn nói: “Một số doanh nghiệp đề nghị tặng máy điều hòa cho phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND nhưng chúng tôi không nhận. Điều đó xuất phát từ suy nghĩ, đã là cán bộ cơ sở thì phải gần dân, lắp điều hòa nhiệt độ thì phải đóng cửa, công dân đến tìm gặp lại phải gõ cửa thì không tiện tý nào”.

 

Sửa đổi tác phong, lề lối làm việc và tăng cường đối thoại, gắn bó với cơ sở của cán bộ, đảng viên ở thị trấn Đu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Minh chứng là số kiến nghị, khiếu kiện của nhân dân từ đầu năm đến nay chưa tới 10 vụ, giảm gần một nữa so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm, bộ phận “một cửa” của thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết được gần 6 nghìn hồ sơ, 100% hồ sơ về địa chính - xây dựng đã được giải quyết xong. Công tác điều hành của chính quyền thị trấn được UBND huyện đánh giá có hiệu quả tốt, tiêu biểu trong khối xã, thị trấn. Và cái được lớn hơn là niềm tin, mối liên hệ giữa người dân và chính quyền ở thị trấn Đu ngày càng được tăng cường, bền chặt.