Ghi ở Đèo Bụt

09:35, 08/11/2012

Đèo Bụt là xóm người Dao của xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ). Xóm nằm lọt thỏm giữa những quả đồi cao, muốn vào đó phải đi trên con đường đất lởm chởm đá dăm với nhiều đoạn dốc thẳng đứng. Do giao thông đi lại khó khăn nên nông sản của bà con làm ra chủ yếu chỉ để tự cung, tự cấp. Việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế khiến kinh tế ở đây phát triển rất chậm. Hiện cả xóm có 127 hộ thì số hộ nghèo vẫn còn trên 70%.

Đến Đèo Bụt vào một ngày chớm đông, xóm nhỏ hiện ra trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà lúp xúp dưới chân đồi, đất đai khô cằn khiến hoa màu ở đây gần như không phát triển được. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Thọ, Trưởng xóm Đèo Bụt cho biết: Đời sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa nhưng do xóm không có hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên mỗi năm chỉ cấy được một vụ vào mùa mưa, năng suất lúa rất thấp. Trung bình mỗi sào lúa bà con thu được 1,2 tạ, ngô được 2 tạ, vì thế hằng năm có khoảng 50% số hộ bị thiếu ăn từ 2-3 tháng.

 

Ngoài nguyên nhân thiếu nước còn có nguyên nhân nữa là do bà con không được tập huấn khoa học kỹ thuật, việc đưa những giống lúa lai năng suất cao vào trồng ở địa phương không được người dân quan tâm, hiện cả xóm mới có gần chục hộ trồng lúa lai, còn phần lớn vẫn chỉ trồng giống lúa Khang dân. Việc phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây trồng cũng không được chú trọng. Ngoài trồng ngô, lúa, người dân còn trồng rừng, trồng chè nhưng do giao thông đi lại khó khăn nên sản phẩm nông, lâm nghiệp thường bị tư thương ép giá. Mỗi m3 gỗ người dân phải chấp nhận bán giá rẻ hơn từ 50 nghìn đồng đến 70 nghìn đồng so với ngoài thị trường, còn chè thì loại ngon nhất mới được 100 nghìn đồng/kg…

 

Anh Triệu Tiến Đường, là trong 4 hộ của xóm trước đây chăn nuôi lợn với quy mô 40 con/lứa, cho biết: Tôi không còn nuôi lợn gần một năm nay vì sau 3 năm đầu tư vào chăn nuôi mà lãi lờ chẳng được là bao. Một kg thịt lợn tôi phải bán rẻ hơn so với bên ngoài khoảng 3.000 đồng vì bị tư thương ép giá. Hiện gia đình tôi chỉ tập trung vào làm lâm nghiệp và cấy lúa.

 

Dạo một vòng quanh xóm để tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân nơi đây, chúng tôi càng thấu hiểu sự vất vả của bà con khi phải đi trên những con đường gồ ghề sỏi đá và lội qua những con suối nằm vắt ngang đường. Anh Thọ cho biết thêm: 5 năm trước đây thì phần lớn những tuyến đường liên xóm chỉ đi bộ được thôi, xóm đã huy động bà con góp sức mở đường rộng ra, giờ đi được xe máy như thế này là khá lắm rồi.

 

Đèo Bụt nằm gần như tách biệt với bên ngoài, lại là xóm người dân tộc thiểu số nên nhận thức của người dân ở đây vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cả xóm có đến 70% số hộ sinh con thứ 3 trở lên, nhà nhiều nhất có đến 10 người con. Khi chúng tôi thực hiện một số cuộc phỏng vấn nhanh với những phụ nữ sinh nhiều con ở đây, thì hầu hết các chị đều nhận thức được rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, con em bị thất học nhưng rồi lại đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho việc sinh đẻ nhiều.

 

Vì mải lo cái ăn nên chuyện học hành của các em học sinh nơi đây không được chú trọng. Các em chủ yếu chỉ học ở trên lớp, về nhà thì tranh thủ làm việc giúp bố mẹ. Nhiều gia đình còn cho rằng chỉ cần học để biết chữ là được. Cô Bùi Vân Anh, giáo viên Phân trường Tiểu học của xóm cho biết: Cả Phân trường có 39 học sinh nhưng các em đi học không được đều, nhất là những hôm trời mưa to, nước suối dâng lên thì hầu hết học sinh đều nghỉ học hoặc đến muộn. Phần lớn trẻ em ở đây học đến giữa bậc THCS là nghỉ, cả xóm chỉ có 3, 4 em học lên THPT và cách đây 2 năm thì có duy nhất 1 em thi đỗ vào đại học...

 

Chúng tôi rời Đèo Bụt khi trời đã bắt đầu sẩm tối, anh Thọ tiễn chúng tôi thêm một đoạn đường dài và nói trước khi chia tay: Bây giờ nguyện vọng lớn nhất của người dân nơi đây là có được con đường dễ đi, có được hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp…có như vậy mới hy vọng đẩy lui được cái đói, cái nghèo.