Ghi ở phòng thí nghiệm

14:56, 12/11/2012

Sở hữu một phòng thí nghiệm (labo) cấp tỉnh hiện đại bậc nhất nước, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho công tác giám sát, khống chế và dự phòng bệnh ở người đồng thời thiết thực đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm cho biết, việc đưa vào sử dụng labo này đã giúp Trung tâm hoàn thiện các tiêu chí để trở thành 1 trong 3 Trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Quốc gia và được Bộ Y tế chọn là một trong bốn Trung tâm chuyên sâu của cả nước vào năm 2011.

Từ 7 năm trước, chúng tôi đã được nghe bác sĩ Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nói về ý định xây dựng labo hiện đại bậc nhất trong nước để phục vụ công tác y tế cộng đồng trong và ngoài tỉnh. Ngoài nguồn kinh phí từ Bộ Y tế, Trung tâm đã vận động được nhiều dự án trong và ngoài nước tài trợ kinh phí xây dựng. Đến năm 2010, labo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng và là một trong 3 labo cấp tỉnh hiện đại nhất nước với những hệ thống, thiết bị hiện đại như: hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử để xác định chính xác các virus gây hại như cúm A (H1N1,H5N1), EV71 gây bệnh tay chân miệng…; máy sinh hóa tự động 86 chỉ tiêu; hệ thống xét nghiệm I ốt niệu… Không những thế, labo này còn được công nhận đạt chứng chỉ công nhận phòng kiểm nghiệm phù hợp ISO/IEC 17025:2005. Đây là chứng nhận quan trọng dành cho các labo xét nghiệm y tế và xét nghiệm liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

 

 

Về lý thuyết, toàn bộ khu vực labo là khu vực nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhiễm độc cao bởi đây là nơi lưu giữ, xét nghiệm hầu hết các mẫu bệnh phẩm nguy hiểm như: virus cúm A H1N1, EV71, khẩn tả, ecoli…. và nhiều hóa chất độc hại khác. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thế Vũ, Trưởng Khoa Xét nghiệm thì nhờ được trang bị nhiều thiết bị hiện đại với quy trình xét nghiệm khép kín nên labo hoàn toàn an toàn với môi trường xung quanh và đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2 do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận. Ở cấp độ an toàn này, hoạt động của labo hoàn toàn không ảnh hưởng tới môi trường xung quang, không phát tán nguồn bệnh, hóa chất độc hại ra môi trường.

 

Toàn bộ 3 tầng của khoa Xét nghiệm được dành chỗ cho hàng chục các hệ thống xét nghiệm, thí nghiệm và các trang thiết bị hiện đại. Trong tổng số 50 tỷ đầu tư của labo thì đã có tới trên 35 tỷ đồng là tiền đầu tư cho các trang thiết bị, đào tạo và chuyển giao. Một trong những hệ thống thiết thực nhất của labo là hệ thống các trang thiết bị thuộc Phòng Hấp thụ nguyên tử. Từ những hệ thống máy này, các mẫu phẩm được phân tích, kiểm tra số lượng, dư lượng kim loại.

 

Kỹ sư Nguyễn Thị Hạnh, người trực tiếp vận hành hệ thống thiết bị này cho biết, các kim loại nặng như asen, chì, kẽm, thiếc... nếu tồn dư trong thực phẩm với hàm lượng quá cao sẽ gây ngộ độc mãn tính hoặc cấp tính. Những thí nghiệm về hàm lượng, dư lượng kim loại sẽ giúp nhận định chính xác những mẫu nước, thực phẩm, chè… để từ đó có cơ quan chức năng những khuyến cáo với người dùng hoặc bản thân người dùng tự ý thức về việc sử dụng những sản phẩm đó. Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp cơ quan chức năng đánh giá tác động môi trường của các tác nhân gây hại và dùng vào mục đích nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trong và ngoài ngành y tế.

 

 

Ở một góc khác của khoa Xét nghiệm, phòng Sinh hóa huyết học được được bố trí thành 2 phòng nối tiếp với hàng chục các thiết bị phân tích mẫu máu. Ngoài thiết bị phân tích máu 86 chỉ tiêu, chiếc máy sinh hóa phân tích sâu 16 chỉ tiêu là thiết bị hiện đại nhất của phòng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng cho biết, đây là dòng máy phân tích chuyên biệt cho các xét nghiệm máu có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay. Ngoài ra, thiết bị phân tích chuyên sâu có thể phân tích, đưa ra biểu đồ về tỷ lệ một số chất trong máu với một thời gian 3 tháng mà chỉ cần 1 lần lấy mẫu. Một thiết bị hiện đại khác phải kể đến đó là dàn máy PCR chuyên dùng để xét nghiệm phát hiện virus cúm A (H1N1, H5N1), virus EV71 gây bệnh tay - chân - miệng… Với việc đầu tư thiết bị này, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã hoàn toàn có thể làm được những xét nghiệm để đi đến kết luận chính thức trong trường hợp phát hiện bệnh nhân nghi nhiễm virus cúm A, EV71 thay vì phải gửi mẫu bệnh phẩm về các viện đầu ngành như trước đây. Ngoài ra, labo còn được trang bị hàng chục thiết bị hiện đại đáp ứng cho nhu cầu các xét nghiệm vi sinh nước, vi sinh thực phẩm, hóa lý nước, hóa lý thực phẩm, kim loại nặng, I ốt niệu, muối I ốt và ký sinh trùng sốt rét.

 

 

Cùng với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ là “tài sản” quý của khoa. Khoa có 18 cán bộ thì hơn một nửa có trình độ đại học và trên đại học số còn lại đều được đào tạo các chuyên ngành phù hợp.

 

Trung bình, mỗi năm labo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đáp ứng cho từ 6 nghìn đến 9 nghìn xét nghiệm các loại. Trong đó nhiều nhất là các xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, xét nghiệm I ốt niệu, muối I ốt, vi sinh thực phẩm… Bác sĩ Nguyễn Lê Minh cho rằng công suất hoạt động của labo đã đáp ứng tốt nhu cầu của công tác y tế dự phòng và công tác đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng với những đóng góp cụ thể về các lĩnh vực như: phòng chống dịch, kiểm soát các yếu tố gây hại, ô nhiễm môi trường công nghiệp; chẩn đoán, phát hiện sớm những bệnh không lây nhiễm như đường huyết, huyết cáp cao, ung thư; kiểm soát nước sạch, thực phẩm… Labo cũng có đầy đủ trang thiết bị, nguồn nhân lực để đáp ứng tất cả các chuẩn Quốc gia và được các viện đầu ngành, các tổ chức quốc tế công nhận.

 

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục chủ động tìm nguồn kinh phí đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại đồng thời đầu tư thêm vật tư, nguồn nhân lực khai thác hết công suất các thiết bị hiện có để labo đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác giám sát, khống chế và dự phòng bệnh ở người đồng thời thiết thực đảm bảo sức khỏe cộng đồng”.