Giảm kỳ thị với trẻ bị nhiễm HIV

16:29, 28/11/2012

Trường hợp cháu Đỗ Yến N. sinh năm 2008, ở T.P Thái Nguyên bị nhiễm HIV từ mẹ là Trần Thị N. đang học ở trường mẫu giáo của địa phương thì được cô giáo thông báo cho cháu nghỉ vì không đảm bảo sức khỏe. Nhưng thực tế, nhà trường được các phụ huynh học sinh phản ánh cháu N. bị nhiễm HIV nên không muốn cho cháu tiếp tục theo học vì sợ lây nhiễm sang con mình.

Chúng tôi có dịp cùng cán bộ Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đến thăm và tìm hiểu tình hình cụ thể của cháu Yến N. thì được biết, gia đình cháu rất hoàn cảnh, bố nghiện ma túy, bị nhiễm HIV hiện đang chữa bệnh tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục - Lao động xã hội T.P Thái Nguyên. Cháu Yến N. được phát hiện bị nhiễm HIV năm 2011 trong một lần điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và hiện ở với ông bà nội năm nay đã ngoài 70 tuổi. Từ tháng 8/2011 đến nay, hai mẹ con chị N. đều dùng thuốc kháng vi rút ARV do Bệnh viện A Thái Nguyên cấp miễn phí. Tuy nhiên, sức khỏe cả hai mẹ con đều không được tốt, thường xuyên ốm sốt, mẩn ngứa khắp chân tay…

 

Đây là một trong rất nhiều trường hợp liên quan đến quyền lợi trẻ em mà Đường dây tư vấn miễn phí 1800 8080 của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tiếp nhận, tư vấn. Đồng chí Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm cho biết: Có rất nhiều trường hợp liên quan đến trẻ em được trung tâm tư vấn, hỗ trợ trong đó có trẻ bị nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trường hợp cháu N. chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện, tư vấn và can thiệp với chính quyền địa phương, trường mầm non để tiếp nhận cháu vào học nhưng với điều kiện cháu phải có đủ sức khỏe để học tập.

 

Tính đến hết tháng 10/2012, toàn tỉnh có 236 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó trên 100 trẻ có nguy cơ cao, 156 trẻ bị nhiễm HIV. Thực hiện công tác phòng, chống phân biệt kỳ thị với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền được các cấp từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thường xuyên, nhằm nâng cao kiến thức về đường lây truyền HIV, cách phòng chống, cách chăm sóc người bị nhiễm HIV, đặc biệt là trẻ em sống chung với người có HIV, phân biệt kỳ thị với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp trẻ được hòa nhập với cộng đồng…

 

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện mô hình điểm về kết nối dịch vụ và chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng ở xã Linh Sơn và xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Qua đó, đội ngũ cộng tác viên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành công tác xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đó là kỹ năng hòa nhập cộng đồng, tự bảo vệ mình và người khác khỏi bị ngược đãi, xâm hại, biện pháp tự bảo đảm sự an toàn, tư vấn, tham vấn, trị liệu, phục hồi tâm lý, thể chất đối với trẻ bị xâm hại, bị bạo lực; trợ giúp các em tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, thực hiện các chế độ phúc lợi xã hội… Đối với gia đình, những người thực hiện chương trình ngoài thực hiện biện pháp tham vấn, tư vấn tại gia đình sẽ được cung cấp các kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ…

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tốn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) khẳng định: Ngoài 3 con đường: truyền máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con (trong thời gian mang thai, khi sinh đẻ và cho con bú), còn mọi sinh hoạt khác như: ăn, uống, ngủ nghỉ, giặt chung quần áo, dùng chung nhà vệ sinh, sống chung nhà... đều không làm lây lan virus HIV. Thực tế cho thấy trên thế giới và ở Việt Nam chưa có một trường hợp nào bị lây nhiễm HIV thông qua tiếp xúc thông thường và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Để công tác phòng, chống phân biệt kỳ thị đối với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông lồng ghép bằng mọi hình thức, tăng cường các biện pháp giáo dục về kỹ năng phòng, chống lây lan HIV/AIDS trong gia đình, nhà trường, cộng đồng; truyền thông trong nhóm trẻ em để các em biết cách tự bảo vệ mình không để trẻ em rơi vào tình trạng bị xâm hại tình dục, nghiện ma túy…