Hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế thấp - Vì sao?

09:59, 20/11/2012

Mặc dù Nhà nước hỗ trợ tới 80%, hộ cận nghèo chỉ phải đóng 20% để mua BHYT, nhưng đến hết tháng 10/2012, trên địa bàn huyện Đại Từ mới triển khai được 3.200 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo (chiếm gần 20% số người cận nghèo toàn huyện). Vậy đâu là nguyên nhân khiến người cận nghèo chưa mặn mà với BHYT?

Người dân nói chung, hộ cận nghèo nói riêng khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đều không muốn phải sử dụng đến chiếc thẻ đó, nhưng không may khi có bệnh phải điều trị thì những người tham gia BHYT chỉ phải đóng một phần viện phí, sẽ giảm gánh nặng về chi phí. Tuy nhiên, không phải người cận nghèo nào cũng hiểu và sẵn sàng bỏ ra khoảng 200.000 đồng/năm để mua BHYT để phòng bệnh cho mình hay người thân.

 

 Chúng tôi đến xã Đức Lương, địa phương mới có 4 người cận nghèo tham gia BHYT trong tổng số 94 người cận nghèo của xã. Ông Đào Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đức Lương có tới 85% là người dân tộc thiểu số (được Nhà nước hỗ trợ BHYT), còn lại là người dân tộc kinh sinh sống phải bỏ tiền để mua BHYT. Những năm trước đây, xã được hưởng Chương trình 135 nên 100% người dân được cấp thẻ BHYT, nhưng từ năm 2010 đến nay thì người dân tộc kinh không thuộc diện hộ nghèo không được cấp thẻ BHYT mà chỉ được Nhà nước hỗ trợ một phần, người dân phải đóng góp một phần kinh phí nên họ chưa quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi đã thông báo trên cụm loa truyền thanh của 13/13 xóm về chính sách BHYT, đồng thời yêu cầu trưởng xóm, các đoàn thể ở cơ sở tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT nhưng người dân cũng không mấy mặn mà bởi một phần do nhận thức, một phần do sự phiền hà, nhiều thủ tục khi khám, chữa bệnh BHYT.

 

Cũng về vấn đề này, anh Lục Văn Tự, cộng tác viên thu BHYT tại xã Bản Ngoại cho rằng, người dân đã quen với việc hỗ trợ BHYT của xã 135, nay không được hỗ trợ mà phải bỏ tiền ra mua BHYT trong khi cuộc sống của những hộ cận nghèo còn khó khăn. Đến nay, xã mới có 85 người cận nghèo tham gia BHYT trong số khoảng 500 người thuộc hộ cận nghèo, tập trung nhiều ở xóm Ba Găng, Lê Lợi… Bên cạnh nguyên nhân khó khăn về kinh tế khiến hộ cận nghèo chưa tự nguyện tham gia BHYT thì vẫn phải nhắc tới công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương chưa thực sự sâu rộng, thường xuyên, khiến nhiều người dân chưa biết đến chính sách BHYT. Anh Vũ Văn Quý, xóm Ba Găng cho biết:  Gia đình tôi có 5 khẩu thì mẹ già đã được cấp thẻ BHYT (đối tượng chính sách); 2 con nhỏ đã tham gia BHYT học sinh; còn hai vợ chồng chưa mua BHYT vì không biết mua ở đâu?

 

Đem những nguyên nhân khiến người cận nghèo chưa muốn mua BHYT chia sẻ với ông Ngô Văn Khoa, Giám đốc BHXH huyện Đại Từ, ông Khoa cho biết: Cơ quan BHXH huyện đã triển khai đầy đủ các văn bản của tỉnh, văn bản liên ngành về BHYT hộ cận nghèo, hướng dẫn cấp thẻ và các chính sách hỗ trợ mức đóng cho 31 xã, thị trấn. Cụ thể: mức đóng BHYT hàng tháng đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 80% mức đóng, phần còn lại người tham gia tự đóng. Trước đây hộ cận nghèo chỉ được hỗ trợ 60% mức đóng. Giảm mức đóng BHYT khi toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu và đang sống chung một nhà tham gia BHYT với mức giảm trừ tương ứng (người thứ 2 đóng bằng 90% người thứ nhất, người thứ 3 đóng bằng 80% người thứ 2…).

 

Cùng với đó, BHXH huyện phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện làm đĩa tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT phát cho các xã, xóm để đọc trên loa truyền thanh… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao, số người tham gia BHYT tự nguyện, nhất là hộ cận nghèo chưa nhiều. Bên cạnh nhận thức chưa đúng và đầy đủ của người dân về tham gia BHYT thì sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền còn chưa thường xuyên, liên tục; cơ chế chính sách còn nhiều bất cập (một số nội dung trong Luật BHYT, nghị định, thông tư liên tịch về đấu thầu cung ứng thuốc BHYT, quản lý giá thuốc, các dịch vụ y tế chưa hợp lý); chất lượng các dịch vụ y tế chưa cao… khiến người dân, đặc biệt là hộ cận nghèo chưa quan tâm đến BHYT.

 

Để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014, thì chỉ có cơ quan bảo hiểm không thể thực hiện được mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Bắt đầu từ công tác tuyên truyền, tập trung vào nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp như hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… Các phòng, ban chuyên môn ở huyện, xã, thị trấn cần tăng cường phối trong thực hiện các chính sách pháp luật về BHYT, đưa mục tiêu 100% dân số tham gia BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT trong chương trình xây dựng nông thôn mới… Cơ quan BHXH huyện có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ trong khám, chữa bệnh, tạo niềm tin cho người bệnh có thẻ BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BHYT…