Hướng tới mục tiêu không có người nhiễm HIV mới

09:57, 30/11/2012

Kể từ ca nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên vào năm 1981 tại Mỹ, đại dịch HIV đã lan ra hầu hết các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2012, trên cả nước đã ghi nhận có 199.744 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống, trong đó 34.391 người chuyển sang AIDS. Luỹ tích từ năm 1990 đến nay đã có 244.971 người nhiễm HIV,  49.369 người tử vong do AIDS, đã được báo cáo rõ ràng danh tính, địa chỉ.

Tại Thái Nguyên tính đến ngày 31/10/2012, luỹ tích số người nhiễm HIV được quản lý là 8.657 trường hợp , đã tử vong do AIDS 1.808 trường hợp. Hiện tại còn 6.849 người đang sống chung với HIV ở cộng đồng trong tỉnh, ngoài tỉnh và trong các cơ sở giáo dưỡng nhân phẩm; trong đó có 3.968 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Người nhiễm chủ yếu ở lứa tuổi 20 - 40 (chiếm 83,4%) và nguyên nhân chủ yếu do tiêm chích ma tuý (chiếm gần 60%). Thái Nguyên hiện là một trong 10 tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV/AIDS đứng đầu của cả nước, tỷ lệ hiện nhiễm của tỉnh là 565 trường hợp/100.000 dân.

 

Những năm gần đây, tình hình dịch HIV ở tỉnh ta có xu hướng giảm rõ rệt nhưng chưa đảm bảo tính bền vững bởi chưa thể kiểm soát hết được tệ nạn ma tuý, mại dâm, sự giao lưu, biến động của người dân giữa các khu vực trong và ngoài tỉnh. Theo số liệu của ngành Công an, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000 người sử dụng ma tuý trong đó 95% là nghiện chích ma túy, mặc dù đã được các ngành, các cấp quản lý giáo dục nhưng tỷ lệ tái nghiện và không hoàn lương rất cao. Là tỉnh đang phát triển nên sự giao lưu rất đa dạng, số người di biến động lớn, đây là những điều kiện thuận lợi cho dịch HIV lan tràn nếu người dân lơ là, không thực hiện phòng lây nhiễm cho bản thân và gia đình.

 

Nhiều năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, Sở Y tế; sự phối hợp của các cấp, ngành, sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện. Các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện thường xuyên. Chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được triển khai tại 6 cơ sở điều trị (tại 4 huyện và T.P Thái Nguyên) với tổng số 1.340 bệnh nhân, đạt 89,33 % chỉ tiêu kế hoạch. Trong Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đã có 16.595 phụ nữ mang thai được tư vấn lấy mẫu xét nghiệm phát hiện HIV (đạt 93,67% chỉ tiêu kế hoạch), trong đó đã phát hiện 26 trường hợp HIV dương tính. Tất cả những trường hợp bà mẹ có HIV mang thai, được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con theo đúng phác đồ đều đã sinh được những em bé khỏe mạnh không nhiễm HIV. Toàn tỉnh hiện có 9 phòng khám ngoại trú, đã điều trị cho 3.427 bệnh nhân, hiện tại có 2.236 bệnh nhân AIDS đang được tiếp tục điều trị. Ngoài ra công tác điều trị phối hợp lao/ HIV, điều trị phơi nhiễm, điều trị trẻ em nhiễm HIV cũng đều được triển khai đồng bộ.

 

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng mừng, nhưng công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục đó là: Sự quan tâm đầu tư của các ngành và các địa phương trong công tác phòng chống HIV/AIDS chưa tương xứng. Mặc dù Đảng, Chính phủ, các ngành và tỉnh đã có rất nhiều văn bản về phòng chống HIV/AIDS như: Luật phòng chống HIV/AIDS, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chương trình Tổng thể phòng chống HIV đến năm 2010 tầm nhìn đến 2020 của Chính phủ; các chương trình của Bộ Y tế; Chương trình phối hợp liên ngành, chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch cấp tỉnh… nhưng một số địa phương vẫn chưa triển khai hoặc triển khai thực hiện chưa đồng bộ. Một số cấp, ngành còn quan niệm phòng chống HIV/AIDS là công việc của ngành Y tế nên chưa có kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn tồn tại trong cộng đồng làm cho những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm không dám đi xét nghiệm phát hiện, lẩn tránh, không đến với cơ quan y tế để được tư vấn, chăm sóc, điều trị…thậm chí còn có biểu hiện sống buông thả, trả thù, khiến dịch khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng.

 

Nhân Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12 năm nay, mong rằng mọi tổ chức chính trị, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sự quan tâm hơn nữa trong công tác phòng chống HIV/AIDS, góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...